Km 33 + 450 QL 279 bị sạt lở khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về thiệt hại do bão số 2 tính đến 10h00 ngày 17/7/2017 đã gây thiệt hại đến công trình giao thông trên đường quốc lộ và đường địa phương.
Do ảnh hưởng của bão số 2, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 (Diễn Châu, Cửa Hội cấp 8, giật cấp 10; Quỳnh Lưu, Vinh cấp 7, giật cấp 10; Hoành Sơn cấp 7, giật cấp 11). Vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12 (đảo Hòn Ngư). Vùng ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 (Văn Lý cấp 7, giật cấp 8; Yên Định, Tĩnh Gia cấp 6, giật cấp 8-9). Ở ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình có gió giật cấp 6-7.
Hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừ Thiên Huế; riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 07h ngày 16/07 đến 07h ngày 17/07 phổ biến từ 70-150mm, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to 100-300mm.
Thiệt hại tính đến 10h00 ngày 17/7/2017 do bão số 2 gây ra: Hệ thống quốc lộ tại Ninh Bình, Quốc lộ 12B nước ngập đoạn từ Km7 đến Km8, chiều sâu nước ngập từ 0,1 - 0,2m, không gây tắc giao thông. Quốc lộ 45 sụt ta luy dương 02 vị trí/100m3, không gây tắc giao thông, sụt ta luy âm 01 vị trí/100m.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Quốc lộ 47 sụt ta luy dương 01 vị trí/950m3, không gây tắc giao thông. Quốc lộ 217 sụt ta luy dương 01 vị trí/550m3, không gây tắc giao thông, sụt lở ta luy âm tại 02 vị trí/50m, lún sụt mặt đường 01 vị trí/ 70m, hư hỏng mặt đường: 5000m2.
Địa bàn tỉnh Nghệ An, Quốc lộ 1 nước ngập đoạn Km412+400 – Km412+450, chiều sâu nước ngập từ 0,3 - 0,5m, gây tắc giao thông từ 8h đến 9h10 ngày 17/7/2017. Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Vinh: Sập Cổng chào của huyện Hưng Nguyên tại Km 23+650 Tuyến tránh Tp Vinh. Quốc lộ 16: Sụt ta luy dương khoảng 10 vị trí/300m3, không gây tắc giao thông. Sụt ta luy dương khoảng 02 vị trí/600m3 (Km195+500 và Km308+00 – Km308+100) ách tắc giao thông từ 9h ngày 17/7/2017. Quốc lộ 46 nước ngập 03 vị trí, chiều sâu nước ngập 0,3m, không gây tắc giao thông, Quốc lộ 48 sụt ta luy dương 05 vị trí/120m3, không gây tắc giao thông; Xói lở taluy âm nền đường: 01 vị trí/ dài 35m, không gây tắc giao thông. Quốc lộ 48E ngập nước tại 02 vị trí tràn Km39+400 (tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) và Tràn Km59+950 (tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) chiều sâu nước ngập 60-70cm, đã tiến hành đóng đường từ 9h ngày 17/7/2017; Tràn Sông Sào Km61+800 (tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) ngập 2.7m do đập sông Sào đang xả lũ, đã tiến hành đóng đường từ 9h ngày 17/7/2017; Tràn Dinh Km97+850(tại Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp và xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn) ngập 80cm đã tiến hành đóng đường từ 9h ngày 17/7/2017; Cầu Tràn Hiếu Km92+850(tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp và xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn) ngập 30cm, đã tiến hành đóng đường từ 8h45h ngày 17/7/2017. Quốc lộ 48D sụt ta luy dương 01 vị trí/500m3, không gây tắc giao thông.
Địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quốc lộ 9C: Sụt ta luy dương khoảng 20 vị trí/5000m3, không gây tắc giao thông. Cây đổ dọc tuyến 400 cây, không gây tắc giao thông.
Địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Quốc lộ 8C nước ngập đoạn Km139+700, chiều sâu nước ngập từ 0,8 -1m, Thời gian bị ngập từ 01 giờ ngày 17/7/2017.
Địa bàn tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng tiếp tục có mưa, nhưng chỉ có các điểm sụt ta luy dương, sụt ta luy âm nhỏ lẻ.
Địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió, mưa to, nhưng thiệt hại phát sinh không đáng kể.
Trên hệ thống đường địa phương, địa bàn tỉnh Thanh Hóa đường tỉnh 521B (Cành Nàng - Lũng Cao): Sạt lở ta luy dương: 06 vị trí; Đường tỉnh 521C (Ban Công – Phú Lệ): Sạt lở ta luy dương 19 vị trí; Đường tỉnh 521C Tén Tằn – Quang Chiểu – Mường Chanh): Sụt lở ta luy âm tại 05 vị trí/54m; Đường tỉnh 516C Thiệu Phú – Đinh Thành – Đinh Tân: Cây đổ ra đường 60cây, không gây ách tác giao thông. Đường Tuần tra biên giới: Sạt lở ta luy dương 03 vị trí/200m3. Mặt đường bị lún nứt 05 vị trí/300m3.
Địa bàn tỉnh Nghệ An, ĐT.532 sụt ta luy dương 03 vị trí/100m3, không gây tắc giao thông; Mặt đường hư hỏng xói lở dài 1.300m; ĐT.544: hư hỏng 02 cống, không gây tắc giao thông; ĐT.534B nước ngập tại tràn Khe Thần Km19+100 ( thuộc xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ) ngập 1,1-1,2m. đã tiến hành đóng đường từ 8h45h ngày 17/7/2017; Nước ngập tại Tràn Khe Trằng Km 26+900 ( thuộc xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn) ngập 70cm. đã tiến hành đóng đường từ 9h00 ngày 17/7/2017; Nước ngập tại Tràn Khe San Km32+400(thuộc xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn) ngập 2m. đã tiến hành đóng đường từ 9h00 ngày 17/7/2017; ĐT.539 (Đường lên chùa Đại Tuệ); Sụt ta luy dương 05 vị trí/500m3, gây tắc giao thông từ 9h45; ĐT.541 gió mạnh nguy hiểm, đã tiến hành đóng cầu treo Thanh Nam ( tại xã Bồng Khê, Con Cuông) không cho người và phương tiện lưu thông.
Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại bước 1 do cơn bão số 2 gây ra trên hệ thống đường quốc lộ là 30 tỷ đồng và địa phương là 25 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/7/2017 Tổng cục ĐBVN đã có Công điện số 06/CĐ-TCĐBVN gửi các cơ quan, đơn vị phòng chống, khắc phục bão số 2; Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các Sở GTVT và các Cục QLĐB: Chủ động triển khai phương án đảm bảo giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, kho tàng, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do bão số 2 gây ra; Thực hiện phân luồng giao thông ngay khi ách tắc giao thông, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với Cảnh sát giao thông khi phân luồng; Chuẩn bị dầm, phao, máy móc, thiết bị, nhân lực sẵn sàng đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố cầu, đường; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại; Đối với Cục QLĐB I: Bố trí tại 8 vị trí, trong đó : dầm Bailley: 669m; Dầm DTĐP-30: 7 bộ (mỗi bộ dài 30m); rọ thép: 14.275 cái. Đối với Cục QLĐB II: Bố trí tại 12 vị trí, trong đó: dầm Bailley: 740m; Dầm DTĐP-30: 4 bộ (mỗi bộ dài 30m); rọ thép: 17.000 cái. Tổng cục ĐBVN đã tổ chức trực 24/24h kịp thời nắm thông tin và chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác thường trực lụt, bão.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Sở GTVT, các Cục QLĐB và các đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng đường bộ tổ chức trực gác 24/24h tại những vị trí nguy hiểm, bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập, đồng thời làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông; tập trung lực lượng vệ sinh mặt đường các đoạn đường bị ngập, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông; sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường và bị sụt lở ta luy âm để thông xe.