TP. Hội An: Nhiều nơi còn bị cô lập

Thứ sáu, 10/11/2017 14:10 GMT+7

Sáng 9/11, mặc dù lũ rút nhiều, nhưng không ít nơi ở các huyện Duy Xuyên, TP.Hội An vẫn còn bị ngập nước, khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn; có nơi còn bị cô lập.

Sau mưa lũ, cầu Hà Tân xuống cấp trầm trọng.

Đường, cầu hư hỏng

Đường và mố cầu nối xã Cẩm Kim (TP.Hội An) với xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) bị hư hỏng nặng, có đoạn ngập sâu trong nước. Đoạn đường khoảng 100m dẫn đến cây cầu này bị nước xói hốc chân, đoạn đường tiếp theo bị cát vùi lấp. Khu vực sát mép sông, nước cuốn trôi đường dẫn lên cầu và phần này còn chìm sâu trong nước. Ông Phan Xuân Thanh ở thôn Phước Thắng, xã Cẩm Kim, nhà gần cây cầu này cho biết, đây là một trong các tuyến đường huyết mạch để người dân Cẩm Kim sang xã Duy Thành trước khi lên huyện Duy Xuyên. “Mưa lớn và lũ về đã làm cho đường dẫn, mố cầu bị hư hỏng, chìm sâu trong nước nên mọi người không thể lên cầu để qua bên Duy Phước được” - ông Thanh cho biết. Cũng theo ông Thanh, con đường và cây cầu này mới đưa vào sử dụng hồi tháng 9 năm nay. Còn cây cầu Hà Tân (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) vốn đã hư hại, nay bị tác động bởi mưa lũ lớn nên xuống cấp trầm trọng. Có mặt tại cây cầu này vào sáng 9/11, quan sát bằng mắt thường đã thấy nhiều nhiều nơi thân cầu bị sà xuống sát mức nước, chứ không phải một vài chỗ như trước khi có lũ. Thân cầu xuất hiện nhiều vết nứt, hai bên đầu cầu đất đá cũng ùn ứ khá nhiều. Trước tình hình trên, xã Duy Vinh đã lập biển cấm qua lại cầu, nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, qua lại trên cây cầu đang “hấp hối” này.

Cũng trong sáng 9/11, nhiều tuyến đường từ thôn Hà Mỹ sang thôn Đông Bình vẫn còn ngập nước, có đoạn còn ngập sâu khoảng 70cm. Anh Lê Văn Đào (thôn Đông Bình) cho biết cách đây một ngày, nước đã rút nhiều hơn, tuy nhiên không hiểu sao từ sáng nay nước lại dâng lên, có lẽ do đang mùa triều cường. “Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng đập Đông Bình, khiến cho người dân “ốc đảo” chúng tôi vẫn còn bị cô lập trong nước” - anh Đào cho biết thêm, khi đang lội nước để đến nơi thuyền đang đậu để đón anh và người dân về “ốc đảo” Đông Bình. Cũng theo anh Đào, do còn bị cô lập, nên đang thiếu nước uống và thức ăn, do đó họ phải sang trung tâm xã, hoặc qua Hội An để mua đem về.

Tích cực hỗ trợ

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, cho biết, hiện xã còn 5 thôn bị cô lập, đó là Đông Bình, Hà Mỹ, Hà Thuận, Trà Nam và Trà Đông do thuộc vùng trũng thấp. “Đối với thôn Đông Bình, huyện bố trí kinh phí cho một chiếc thuyền để đưa đón người dân trong thôn khi đập Đông Bình còn ngập trong nước. Hiện có khoảng 30m chiều dài đập từ phía bên kia cống qua bên thôn Đông Bình đã bị hư hỏng. Đối với cầu Hà Tân, mặc dù xã đã có biển cấm qua lại nhưng người dân vẫn bất chấp hiểm nguy. Chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng chức năng để làm quyết liệt hơn, đồng thời mở một bến tạm và bố trí thuyền để đưa người dân qua lại hai bên sông. Hai bến trước đây sát cầu Hà Tân cũng đang bị ngập trong nước. Rất mong cấp trên sớm có kế hoạch xây cầu mới thay thế cây cầu đã hư hỏng” - ông Sáu cho biết.

Trước thực trạng nhiều thôn còn bị cô lập, chính quyền xã Duy Vinh đã chủ động một số lương thực thực phẩm, nước sạch để cung ứng cho dân khi có nhu cầu. Đồng thời xã Duy Vinh cũng đã và đang kêu gọi các nhà hảo tâm chung sức giúp dân Duy Vinh gượng dậy sau lũ. Ông Sáu cho biết, mưa lũ đã làm cho 2.650 nhà dân bị ngập, có nơi ngập đến 1,8m và 200 hộ vùng trũng thấp đã phải di dời đến nơi an toàn hơn; sập 1 căn nhà, 2 nhà khác bị xói lở nền móng nghiêm trọng. Đường giao thông bị sạt lở 500m3 đất, hư hại 25ha rau màu, dự án nuôi tôm Hà Đước cũng bị hư hại nặng, ước tính thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng. Cây cầu nối xã Cẩm Kim (TP.Hội An) sang xã Duy Phước (Duy Xuyên), ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, địa phương đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Nam để sớm được hỗ trợ khắc phục, giúp người dân 2 bên cầu dễ dàng lưu thông trở lại.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)