Điện Biên: Chủ động phương án đảm bảo giao thông mùa mưa lũ

Thứ ba, 12/06/2018 09:32 GMT+7

Là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, địa hình chia cắt, cấu tạo địa chất thiếu tính ổn định, các tuyến đường thường có độ dốc ngang lớn, xuất hiện nhiều cung trượt nên hàng năm, cứ đến mùa mưa, đặc biệt là khi có những trận mưa bão lớn thường xảy ra tình trạng sạt lở, tắc đường. Trước thực trạng trên, Sở Giao thông vận tải (GTVT) và chính quyền các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã chủ động chuẩn bị các phương án đối phó, ứng cứu khi có sự cố giao thông nhằm hạn chế thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt.

Hiện nay, Sở GTVT được giao quản lý, bảo trì 6 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 620,9km; được UBND tỉnh  Điện Biên giao quản lý, bảo trì 6 tuyến tỉnh lộ có tổng chiều dài 140km. Năm 2018, dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, khó lường, nguy cơ gây sụt sạt, ách tắc giao thông và phá hoại một số kết cấu công trình giao thông. Do đó, nhằm giảm nhẹ thiệt hại và đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, Sở GTVT Điện Biên đã chủ động chuẩn bị ứng phó trước mọi diễn biến phức tạp của thời tiết.


 
Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II Ðiện Biên quản lý, bảo dưỡng thường xuyên
thông đường tại km119, quốc lộ 12, đoạn qua địa phận bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà).

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý giao thông (Sở GTVT Điện Biên) cho biết: Từ đầu tháng 4, Sở đã ban hành kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 trên các tuyến đường do đơn vị quản lý; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; phân công lịch trực 24/24 giờ từ ngày 16/4 - 31/10. Sở chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đảm bảo 5 tiêu chí trong hoạt động bảo dưỡng thường xuyên. Trong đó, tập trung, tăng cường thực hiện tốt việc phát quang, nạo vét rãnh, thông cống, đắp phụ lề đường, rải êm thuận mặt đường, lắp dựng hệ thống cọc tiêu, biển báo, cột ki lô mét... Chuẩn bị đủ vật tư dự phòng tại các vị trí xung yếu, bố trí đủ cơ số máy móc, thiết bị tại nhà cung hạt trên các tuyến đường được giao quản lý và tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan và các lực lượng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để tổ chức phân luồng giao thông nếu xảy ra ách tắc nhiều giờ. Ban Bảo trì đường bộ tăng cường kiểm tra hiện trường, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng cơ bản, bảo trì đường bộ, không để vật liệu, đất đá thải cản trở giao thông, chuẩn bị vật tư để xử lý mặt đường bị sụt lún... Các đội tuần đường tổ chức tuần đường 24/7, kịp thời phát hiện các vị trí xảy ra sự cố thông báo về Sở để có phương án xử lý. Các phòng chuyên môn tham mưu lựa chọn các đơn vị tư vấn, nhà thầu đủ năng lực thực hiện đảm bảo giao thông nhằm thông đường sớm nhất. Từ đầu tháng 4 đến nay, Sở chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tổ chức đào rãnh dọc ước khối lượng 9.422m3, đắp lề 4.367m3, hót sụt 6.271m3, khơi thông thượng, hạ lưu 533m3, phát quang, lấp ổ gà... Tổng kinh phí ước đạt 1,3 tỷ đồng.

Năm nay, Sở GTVT Điện Biên xác định có trên 70 vị trí xung yếu trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Cụ thể: Tuyến quốc lộ 12 có 10 vị trí xung yếu từ km96+850 đến km254; tuyến quốc lộ 4H có 34 vị trí xung yếu từ km5+200 đến km143+800; tuyến quốc lộ 279 có 5 vị trí xung yếu từ km35+850 đến km60; quốc lộ 6 có 5 điểm từ km369 đến km475 và các tuyến đường tỉnh lộ ÐT.140, ÐT.142, ÐT.150. Tại các vị trí xung yếu đều bố trí sẵn xe ô tô, máy móc và nhân lực trực 24/24 giờ để kịp thời thông đường khi xảy ra sụt lún, sạt lở gây ách tắc giao thông. Sở cũng chuẩn bị sẵn 1.800 rọ thép, 3.000m3 đá hộc, 2.000m3 cấp phối, đá thải và 30.000l dầu diezen, xăng dự phòng, sẵn sàng ứng cứu các tuyến đường bị thiệt hại do mưa lũ.

Nậm Pồ là huyện thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề nhất về hệ thống đường giao thông, kế cấu công trình giao thông. Huyện có 742km đường giao thông. Trong đó, 88km quốc lộ và 127km tỉnh lộ, 122km đường huyện và trên 405km đường giao thông liên thôn, bản. Hiện nay, trên 600km đường giao thông trên địa bàn huyện là đường cấp phối và đường đất (chiếm gần 80%). Ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Ðầu tháng 4/2018, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng các tuyến đường, xây dựng phương án đảm bảo giao thông mùa mưa, lũ. Năm nay, công tác đảm bảo giao thông tại 15 tuyến đường trọng yếu, với tổng chiều dài 163,3km được UBND huyện xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Phòng cử cán bộ kỹ thuật về các xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch đảm bảo giao thông mùa mưa lũ tại các tuyến đường liên bản, liên xã với phương châm “4 tại chỗ”. Qua kiểm tra, rà soát, Phòng đã chỉ đạo các nhà thầu san gạt, hót sụt sạt ta luy, vá ổ gà trên các tuyến đường trọng yếu, rải lại mặt đường cấp phối, bù phụ cấp phối tại các vị trí bị lún mặt đường, các điểm xung yếu và hoàn tất công tác khắc phục thiệt hại mưa lũ năm 2017. Chính quyền các xã huy động nhân công tôn tạo mặt đường dân sinh, khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước, phát quang hai bên đường đảm bảo tầm nhìn thông thoáng cho người tham gia giao thông. UBND huyện hợp đồng với các đơn vị nhà thầu chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện, máy móc và nhân lực tập kết tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng triển khai các biện pháp đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố trên các tuyến đường do huyện quản lý.

Nguồn: Báo Điện Biên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)