So với năm 2017, tai nạn giao thông ở Phú Yên năm 2018 giảm 37 vụ, giảm 27 người chết và giảm 5 người bị thương.
Và quý I năm nay, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực với những con số khích lệ vừa nêu. Kết quả đáng mừng này có được là nhờ cả hệ thống chính trị đã đồng lòng vào cuộc, ngày càng thực hiện hiệu quả hơn công tác vận động, tuyên truyền cán bộ, nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật về ATGT; tiếp tục đầu tư, đảm bảo hạ tầng giao thông; xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông ở các địa phương. Song song đó, tăng cường xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý những vi phạm về ATGT, đặc biệt các lỗi về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, lấn đường, chở quá khổ, quá tải.
Theo Ban ATGT tỉnh Phú Yên, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức của người điều khiển phương tiện chưa cao, chưa nhận thức được hành vi vi phạm của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội. Những năm qua, dù các cấp, ngành, địa phương triển khai rất nhiều biện pháp, giải pháp nhưng nguyên nhân mang tính quyết định gia tăng tai nạn giao thông này vẫn chưa được giải quyết, khắc phục hiệu quả. Vậy phải làm thế nào?
Gia đình có thực hiện tốt ATGT thì xã hội mới giảm thiểu được tai nạn giao thông.
Lâu nay chúng ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có an hòa, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển bền vững. Gia đình có thực hiện tốt ATGT thì xã hội mới giảm thiểu được tai nạn giao thông. Vì thế, phải xây dựng mỗi mái ấm trở thành một gia đình ATGT, trong đó mọi thành viên (ông, bà, cha, mẹ, anh, em, con, cháu…) thường xuyên chấp hành nghiêm túc pháp luật về giao thông để xã hội bớt đi những nỗi đau tinh thần và vật chất không đáng có. Để mỗi nhà thực sự là gia đình ATGT, vấn đề tiên quyết là cha mẹ, người lớn trong nhà phải làm gương đội mũ bảo hiểm; không uống rượu bia, không phóng nhanh vượt ẩu… khi tham gia giao thông. Các thành viên trong gia đình cùng nhắc nhau điều khiển ô tô, xe máy, đi bộ đúng luật để đảm bảo an toàn cho mình và người khác; kiên quyết không để xảy ra trường hợp người nhà, bà con say xỉn nhưng cứ nằng nặc đòi lái xe. Đồng thời tạo dựng nếp nhà biết nói “không” hoặc hạn chế uống rượu, bia; nếu “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”… Cứ thế, như mưa dầm thấm lâu, gia đình ATGT sẽ dần dần hình thành ở các khu phố, thôn, buôn để thầm lặng lan tỏa một nét sống tử tế trong xã hội.
Cùng với hệ thống pháp luật cả nước ngày càng được bổ sung, sửa đổi và đủ mạnh để mỗi công dân không thể và không dám vi phạm trật tự ATGT, rõ ràng xây dựng gia đình ATGT là một việc rất cần thiết và phải bắt đầu ngay từ mỗi hộ, mỗi nhà. Khi pháp luật đủ sức răn đe, trừng phạt để người dân biết sợ mà lái xe đàng hoàng; khi mỗi gia đình biết lấy ATGT làm trọng để tự bảo vệ tính mạng các thành viên và góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho cả cộng đồng, khi ấy tai nạn giao thông mới được kềm chế, giảm thiểu đạt hiệu quả như mong muốn.