Bình Thuận: An toàn giao thông nội tỉnh, những vấn đề cần quan tâm

Thứ năm, 07/11/2019 08:56 GMT+7

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Thuận, trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 358 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 196 người, bị thương 271 người.

Trong đó trên 3 tuyến quốc lộ đi ngang qua địa bàn Bình Thuận xảy ra 154 vụ làm chết 114 người, bị thương 85 người, còn lại các vụ tai nạn khác đều xảy ra trên các tuyến đường nội tỉnh. Cụ thể đã xảy ra 204 vụ TNGT (chiếm 56,48%), làm chết 82 người (chiếm 41,8%), bị thương 186 người (chiếm tỷ lệ 68,7%). Như vậy số vụ TNGT và số người bị thương vì TNGT trên các tuyến đường giao thông nội tỉnh hiện nay đã cao hơn trên các tuyến quốc lộ. Nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là ý thức, kiến thức, kỹ năng của người tham gia giao thông trong tỉnh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn còn hạn chế, hạ tầng giao thông nông thôn còn nhiều bất cập... đây là vấn đề hết sức đáng lo ngại cần sớm có giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Qua số liệu thống kê về các hành vi vi phạm an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến nội tỉnh thì các lỗi vi phạm thường là không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia đến mức say xỉn hoặc sử dụng các chất kích thích khác… Bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ con người thì do tính chất đặc thù của các tuyến đường giao thông nội thị, liên xã, liên thôn, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thường có rất nhiều ngõ ngách, đường nhánh nhưng lại thiếu các biển báo, đặc biệt tại những giao lộ, mà nguy hiểm nhất vẫn là những điểm giao cắt giữa đường bộ với tuyến đường sắt Bắc - Nam. Trong khi đó, người tham gia giao thông tại các khu vực này lại rất chủ quan, thường phóng nhanh, vượt ẩu dẫn đến TNGT… Những vụ TNGT xảy ra ngay trên mảnh đất quê hương đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng con người hoặc buộc họ phải tiếp tục cuộc sống với tấm thân tàn phế trọn đời, để lại đó không chỉ là những nỗi đau mất mát, mà còn là nỗi ám ảnh cho cả gia đình, dòng tộc và bà con hàng xóm, láng giềng.

Để giảm thiểu tình hình TNGT trên phạm vi toàn tỉnh, trong thời gian qua Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban ATGT tỉnh thường xuyên chỉ đạo giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông, trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn để nâng cao ý thức của người dân, trong đó chú trọng tuyên truyền vận động đội mũ bảo hiểm đúng quy định, không lái xe chở quá số người quy định, không lái xe khi đã sử dụng rượu bia, không sử dụng điện thoại khi lái xe; tăng cường tuyên truyền ATGT trên hệ thống loa phát thanh của phường/xã, thôn/xóm và băng rôn, khẩu hiệu; Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng cảnh sát giao thông, cơ động, công an huyện, thành phố, thị xã; công an xã, phường, thị trấn huy động tối đa quân số, phương tiện, trang thiết bị tổ chức tuần tra, kiểm soát; tăng cường tuần tra lưu động để xử lý tuyên truyền, nhắc nhở việc chấp hành trật tự ATGT trên tất cả các tuyến đường; đặc biệt khu vực gần các cổng trường học, các tuyến đường liên huyện, liên xã...

Để thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới các ngành, các địa phương cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình, nguyên nhân để TNGT tăng cao trên địa phương mình quản lý, đồng thời khẩn trương đề ra các giải pháp, trong đó tập trung vào giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; thực hiện các biện pháp phòng tránh TNGT như đội nón bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe điện, tuân thủ quy định về tốc độ... Để công tác tuyên truyền đi sâu vào nhận thức của người dân qua đó chuyển biến thành hành động thì cần phải được thực hiện một cách thường xuyên liên tục, gắn với các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt văn hóa, hội họp của thôn, làng… Ở mỗi thôn/xóm cần có các tổ tuyên truyền về ATGT mà nòng cốt là bí thư chi bộ, trưởng thôn/khu phố, các đoàn thể và công an viên...

Song song với công tác tuyên truyền, để khắc phục những bất cập của hạ tầng giao thông, các địa phương cần sớm đặt biển báo và thiết bị bảo đảm ATGT tại những điểm đen về TNGT. Vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương tham gia cảnh giới để bảo đảm an toàn giao thông tại điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; các nút giao giữa đường phụ ra đường chính. Các lực lượng chức năng các địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm ATGT để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân; phát huy vai trò các tổ tự quản ATGT, vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt; giải tỏa các chướng ngại vật, bảo đảm hành lang an toàn các tuyến đường nông thôn.

Cùng với đó, nên ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền với công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn… Như vậy, sẽ góp phần làm cho hoạt động giao thông trong tỉnh diễn ra an toàn, tính mạng và tài sản của người dân được bảo đảm, để các gia đình không còn những nỗi đau mất mát do TNGT gây ra. 

Nguồn: Báo Bình Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)