Không để “ma men” cầm lái!

Thứ năm, 09/01/2020 09:44 GMT+7

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã chính thức có hiệu lực trên toàn quốc kể từ ngày 1/1/2020. Để thực hiện luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thay thế Nghị định 46/2016, tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Cùng với các địa phương khác trên cả nước, lực lượng CSGT của tỉnh Bình Thuận đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời triển khai việc xử lý vi phạm theo quy định mới.   


CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Chế tài mạnh, xử lý nghiêm

Lần đầu tiên, vấn đề về phòng, chống tác hại của rượu, bia được nâng lên thành luật và nhận được phần lớn sự đồng tình ủng hộ từ người dân. Bởi, việc lạm dụng rượu, bia không những ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, mà còn gây ra nhiều vấn nạn cho xã hội như bạo hành gia đình, vi phạm pháp luật và đặc biệt là tai nạn giao thông (TNGT). Chỉ trong năm 2019, cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, gây chết người, nguyên nhân là do tài xế sử dụng rượu, bia mất kiểm soát.

Có thể kể đến như vụ tai nạn vào đêm 1/5/2019, tại hầm Kim Liên (Hà Nội), 1 ô tô va chạm với 1 xe máy, khiến 2 người phụ nữ thiệt mạng tại chỗ, nồng độ cồn đo được của lái xe là hơn 0,7mg/lít khí thở. Hay vụ tai nạn vào ngày 25/8/2019 tại Thái Nguyên, khiến 4 người chết, 1 người bị thương, nguyên nhân do xe mô tô chở 5 người đã tự va vào dải phân cách giữa đường. Đáng chú ý, cả 5 nạn nhân đều là sinh viên của một trường cao đẳng, thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, nhóm sinh viên này đi dự sinh nhật bạn và đã uống rượu, bia… Theo thống kê, có hơn 40% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện có liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.

Còn tại Bình Thuận, thời gian qua, hành vi điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia của tài xế cũng diễn ra rất phức tạp. Theo Thượng tá Hồ Thanh Bình - Phó Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh), người sử dụng rượu, bia gây ra tai nạn chiếm tỷ lệ khoảng 15 - 20% số vụ. Thông qua việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát, tập trung vào các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 400 trường hợp, trong đó chủ yếu là xe mô tô, xe máy và ô tô con. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên trong quá trình thực hiện, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn còn gặp những khó khăn nhất định, không ít trường hợp có thái độ chống đối, bất hợp tác với cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ như cố tình lẩn tránh, không chấp hành đo nồng độ, không ký biên bản vi phạm…

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và nhằm giảm thiểu số vụ TNGT do rượu, bia gây ra, pháp luật hiện hành đã nghiêm cấm hành vi sử dụng rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện, dù là ô tô, xe máy hay xe đạp, xe thô sơ… Nếu phát hiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì sẽ bị xử lý nghiêm theo các mức xử phạt được quy định tại Nghị định số 100 của Chính phủ. Do đó, mỗi người dân phải luôn ghi nhớ “đã uống rượu bia, thì không lái xe”.

“Nghị định mới ra đời tạo cơ chế pháp lý, là cẩm nang cho lực lượng CSGT xử lý hiệu quả hơn đối với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, khắc phục tình trạng người vi phạm phản đối, chống đối lực lượng chức năng thi hành công vụ. Trong quá trình xử lý, nếu lái xe có biểu hiện chống đối, chúng tôi sẽ làm công tác vận động, tuyên truyền và giải thích, nếu họ vẫn cố tình không hợp tác chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh hơn, phối hợp cùng với các lực lượng như cảnh sát cơ động, công an phường… đưa đối tượng về địa phương để xử lý theo quy định” - Thượng tá Hồ Thanh Bình cho biết.  

Vì sự an toàn của cộng đồng

Để thực hiện có hiệu quả các quy định mới, bước đầu Phòng CSGT đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT toàn tỉnh nghiên cứu, quán triệt đầy đủ luật và nghị định của Chính phủ. Cùng với việc thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, ngành chức năng sẽ kết hợp thành lập các chốt kiểm tra, đo nồng độ cồn tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực tập trung đông khu dân cư. Bước đầu việc kiểm tra chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến pháp luật cho người điều khiển phương tiện. Riêng đối với những trường hợp có nồng độ cồn trong máu cao, có biểu hiện lái xe không an toàn, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ lập biên bản để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ có kế hoạch chuyên đề cụ thể tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết tình hình TTATGT năm 2019, đề ra nhiệm vụ năm 2020, với chủ đề năm ATGT “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ xử lý mạnh tay, quyết liệt, tăng cường thanh tra kiểm soát các doanh nghiệp, lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia khi tham gia giao thông, đảm bảo TTATGT, mang lại sự yên tâm cho người dân, bởi sinh mạng con người là cao quý nhất. 

Theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn là từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22 - 24 tháng. Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22 - 24 tháng. Đáng chú ý người đi xe đạp, xe thô sơ khi tham gia giao thông chỉ cần có nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng, nếu trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc 0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)