Hiệu quả từ các mô hình tự quản về đảm bảo an toàn giao thông

Thứ sáu, 21/08/2020 09:14 GMT+7

Những năm qua, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã xây dựng nhiều mô hình tự quản về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Việc thành lập và đi vào hoạt động của các mô hình này đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) ngay từ cơ sở.

Tổ tự quản đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng
nhắc nhở người dân về việc đặt biển quảng cáo vi phạm hành lang giao thông.

Phú Lương là địa phương có hệ thống giao thông khá thuận lợi với 2 tuyến Quốc lộ 3 và Thái Nguyên - Chợ Mới chạy qua địa bàn của hầu hết các xã, thị trấn; mạng lưới giao thông nông thôn đã được đầu tư cứng hóa đồng bộ. Vì thế, những năm gần đây, nhu cầu đi lại của người dân và lưu lượng xe cơ giới tham gia giao thông trên địa bàn ngày càng tăng. Đây chính là lợi thế để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng kéo theo tình trạng phức tạp về trật tự ATGT. 

Trước thực trạng trên, từ năm 2014, Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể huyện Phú Lương đã hướng dẫn các khu dân cư xây dựng mô hình tổ tự quản đảm bảo ATGT. Mục đích của các mô hình nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm nhân dân trong tham gia công tác đảm bảo ATGT. Đến nay, toàn huyện đã có 66 khu dân cư có tổ tự quản tham gia thực hiện đảm bảo trật tự ATGT. Sau gần 6 năm triển khai, hoạt động của các tổ tự quản đã đem lại những hiệu quả nhất định trong việc duy trì trật tự ATGT tại cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân và giảm số vụ tai nạn giao thông qua từng năm. Cụ thể: năm 2019, trên địa bàn huyện xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (giảm 11,76%); số người chết vì tai nạn giao thông giảm 50%; số người bị thương giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Điển hình như hoạt động của Tổ tự quản đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng. Theo chia sẻ của ông Trịnh Quang Thanh, Tổ trưởng Tổ tự quản: Chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền lồng ghép Luật GTĐB trong các cuộc họp xóm, nhắc nhở người dân vi phạm quy định về ATGT. Từ nguồn kinh phí của xóm, Tổ đã lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ tại các đoạn đường khuất, gần ao, hồ trong xóm. Đồng thời, vận động nhân dân không lấn chiếm hành lang giao thông. Khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, các thành viên của Tổ sẽ tham gia bảo vệ hiện trường và báo cho cơ quan chức năng đến giải quyết, điều phối giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn.

Còn ông Lưu Văn Đại, Tổ trưởng Tổ tự quản bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại xóm Đồng Rôm, xã Phủ Lý cho hay: Chúng tôi chia Tổ tự quản thành 4 nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ có nhiệm vụ giám sát việc chấp hành Luật GTĐB của mỗi khu vực dân cư để kịp thời nhắc nhở. Nếu gia đình nào có người vi phạm Luật thì chúng tôi sẽ đánh giá vào việc bình xét gia đình văn hóa. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, trong xóm chưa có trường hợp nào vi phạm Luật GTĐB; ý thức khi tham gia giao thông của người dân được nâng cao…

Đánh giá về hoạt động của các mô hình tự quản đảm bảo ATGT, bà Hà Thị Hường, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Lương cho biết: Các mô hình tự quản về an toàn giao thông là một trong những giải pháp tích cực đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số mô hình hoạt động không thường xuyên, chưa hiệu quả. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ huyện sẽ rà soát, đánh giá lại các mô hình để có giải pháp khắc phục hạn chế và nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả…

Nguồn: Báo Bình Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)