Gần 2.000 trường hợp vi phạm tốc độ bị xử lý
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, khi chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt từ 800 nghìn đến 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 4 tháng đối với ô tô; còn đối với xe máy bị xử phạt từ 200 nghìn đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 4 tháng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp vi phạm.
Cơ quan chức năng tăng cường lực lượng, phương tiện kỹ thuật để kịp thời phát hiện,
xử lý các phương tiện tham gia giao thông vi phạm về tốc độ.
Như trên tuyến QL19 mới qua địa bàn tỉnh Bình Định, chỉ khoảng 1 giờ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường này, CSGT đã phát hiện hơn chục trường hợp vi phạm về tốc độ, trong đó có 7 trường hợp vi phạm tốc độ quy định từ trên 20 đến 35 km/giờ, 1 trường hợp vi phạm trên 35 km/giờ. Ông Nguyễn Văn Lợi (ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn), lái xe vi phạm tốc độ, nói: “Tôi có nhìn thấy biển báo tốc độ, nhưng vì đường đẹp nên có hơi chủ quan, thành ra chạy quá tốc độ quy định hơn 20 km/giờ”.
Khi tăng tốc độ trung bình 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%... có đến trên 80% các vụ TNGT nghiêm trọng đều có nguyên nhân từ việc chạy quá tốc độ, không làm chủ tốc độ. |
Có thể nói, chạy quá tốc độ dẫn đến TNGT gây nguy cơ tử vong trực tiếp đối với người tham gia giao thông là rất cao. Theo ngành chức năng, với vận tốc 70 km/giờ, sự va đập sẽ tăng gấp 2 lần so với 50 km/giờ; vận tốc 87 km/giờ khiến sự va đập tăng lên gấp 3 lần so với vận tốc 50 km/giờ; vận tốc 100 km/giờ thì sự va chạm tăng lên gấp 4 lần so với 50 km/giờ. Khi tăng tốc độ trung bình 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định cho biết, có đến trên 80% các vụ TNGT nghiêm trọng đều có nguyên nhân từ việc chạy quá tốc độ, không làm chủ tốc độ. Việc làm chủ tốc độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ giúp người điều khiển phương tiện dễ xử lý tình huống bất ngờ mà còn hạn chế được tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy, việc xử lý vi phạm tốc độ cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ TNGT xảy ra. Đây cũng chính là lý do mà từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý gần 2.000 trường hợp vi phạm tốc độ, trong đó có khoảng 50 trường hợp bị xử phạt mức cao nhất.
Kiểm soát chặt
Để hạn chế các vụ TNGT do phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, cơ quan chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý rất nghiêm các hành vi vi phạm. Thiếu tá Phan Đình Điểm, Đội trưởng Đội CSGT-TT, CA thành phố Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi bố trí lực lượng trải khắp các cung đường trên địa bàn, nhất là những điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nhằm kịp thời xử lý những vi phạm. Việc thường xuyên có lực lượng trên đường cũng góp phần nhắc nhở người tham gia giao thông ý thức hơn và những vi phạm về tốc độ cũng được hạn chế”.
Còn thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT, CA tỉnh Bình Định cho biết thêm, CSGT cũng kiên quyết xử lý đối với các xe mô tô vi phạm tốc độ đang lưu thông trên đường. Đối với các phương tiện mà lực lượng CSGT chưa dừng ngay được, Phòng CSGT sẽ tra cứu, thông báo cho CA địa phương nơi cấp đăng ký xe để lưu hồ sơ làm chế tài xử lý; đồng thời đề nghị lực lượng CSGT ở địa phương đó phối hợp với CA xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm đăng ký thường trú thông báo, mời chủ sở hữu, người vi phạm đến để xử lý theo hành vi vi phạm đã được ghi nhận.
Song song với việc tăng cường tuần tra, xử lý, các cơ quan chức năng đã và đang tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Dọc trên các tuyến đường, bên cạnh các biển báo ghi tốc độ quy định, biển cảnh báo “Đoạn đường CSGT thường xuyên kiểm tra tốc độ” cũng được dựng lên. Theo các cơ quan chức năng, các biển báo này thường được đặt ở những đoạn đường nguy hiểm, thường xảy ra TNGT.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, mỗi người khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, đừng để “nhanh một giây, chậm cả đời”.