Nội dung Công điện như sau: Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, từ đêm ngày 15 tháng 10 năm 2021 đã xảy ra mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một số nơi đã xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở gây chia cắt giao thông.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 18 tháng 10 năm 2021 khu vực này còn tiếp tục xảy ra mưa lớn, trong đó dự báo khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có tổng lượng mưa 150 – 300mm, cục bộ có nơi trên 350mm, từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai, Kon Tum 80 – 150mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Nước lũ dâng cao tại khu vực cầu tràn Đăk Wet (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum). (Ảnh: TTXVN)
Thực hiện Công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương: Tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông; cấm đường tại các vị trí nguy hiểm (ngầm tràn, cầu, phà…) trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ. Bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả của mưa lũ, không để bị động bất ngờ.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước... sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện. - Có kế hoạch dừng chạy tàu tại các khu gian trong vùng mưa lũ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện.
Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam: Phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt chỉ đạo đảm bảo an toàn cho phương tiện hoạt động vận tải, phương tiện thủy nội địa.
Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, các lực lượng chức năng của địa phương trong việc khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt và hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người dân đang di chuyển từ các vùng dịch về quê đi qua địa bàn quản lý, hướng dẫn di chuyển đến các vị trí tránh, trú an toàn khi có mưa to gió lớn, có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong suốt quá trình tổ chức phòng, chống và ứng phó thiên tai. 6. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải theo số Fax: 024.39421242, ĐT: 024.39410235, Mobile: 0989.642.456 và Email: banpclb@mt.gov.vn./.