Tiền Giang: Nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Thứ sáu, 24/12/2021 12:40 GMT+7

Theo báo cáo của Công an tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông từng tháng đều tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020. Đến quý III/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên tai nạn giao thông được kiềm giảm sâu. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thực hiện giãn cách xã hội và triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phương tiện tham gia giao thông tăng cao trở lại nên tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trên. Đó là do: Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn còn chủ quan, bất cẩn như: Vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, không giảm tốc độ khi ra đường chính, vượt đèn đỏ, người đi bộ leo qua dải phân cách, qua đường không đúng quy định..., kể cả không ít người cố tình vi phạm.

Nhu cầu vận tải và đi lại rất lớn trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, ngay cả các Quốc lộ 1, 30, 50, 60 qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, đường dẫn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến tránh thị xã Cai Lậy làn đường dành cho xe mô tô cũng còn hẹp, quá tải nhất là vào các ngày cuối tuần, lễ, tết...

Lực lượng Cảnh sát giao thông có thời điểm cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ từ việc điều hòa, phòng, chống ùn tắc giao thông, đến phối hợp bảo vệ các hoạt động lễ, hội, đặc biệt là tham gia tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19.... Công tác duy tu, bảo dưỡng, công tác xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông chưa kịp thời.


Lực lượng chức năng tuần tra xử lý trường hợp vi phạm an toàn giao thông

Để giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Nhựt đề nghị: Tăng cường công tác tuyên truyền đến tận cơ sở, thường xuyên, liên tục, đúng với thực tế tình hình về trật tự an toàn giao thông; xây dựng chuyên mục, tin, bài, phóng sự phản ánh tình hình trật tự an toàn giao thông nổi lên, tình hình tai nạn giao thông, những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Lực lượng liên ngành Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát trật tự, Công an xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến và địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông, kể cả mở cao điểm ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chú ý các ngày cuối tuần thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật và vào khung giờ từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, các dịp lễ, tết...

Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như: Vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, chở quá tải trọng, quá số người quy định..., đặc biệt sẽ đưa ứng dụng công nghệ vào giám sát giao thông và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh và Thanh tra giao thông vận tải cần thường xuyên kiểm tra, khảo sát các bất cập trong tổ chức giao thông, các “điểm đen” tai nạn giao thông để kịp thời kiến nghị, đề xuất khắc phục, sửa chữa ngay.

Ngoài các giải pháp thuộc thẩm quyền của tỉnh, tỉnh sẽ kiến nghị cơ quan quản lý đường bộ Trung ương kịp thời xử lý những bất cập, những điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ do Trung ương quản lý; đề xuất Bộ Công an phân cấp việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ theo hướng Công an cấp huyện được quyền tuần tra, kiểm soát trên các quốc lộ trong phạm vi địa phương quản lý, nhất là các “điểm đen”...

Nguồn: Báo Ấp Bắc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)