Ngay đầu năm 2010, ngày 30/1, cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) thuộc cụm cảng Hiệp Phước đã khánh thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động. Đây là cảng container được đánh giá là lớn nhất và hiện đạinhất khu vực TPHCM. Cảng SPCT hiện tại có một cầu cảng dài 500m, có 23 ha kho bãi với sức chứa 15.000 TEU, 5 cẩu bờ và 13 cẩu khung RTG. Công suất bốc xếp giai đoạn 1 của cảng này hơn 1,5 triệu TEU/năm. Cùng lúc, tuyến đường ra cảng biển này với chiều dài 7,2km, chiều rộng 60m (6 làn xe) cũng được thông xe giai đoạn 2.
Năm bản lề
Với TPHCM và khu vực kinh tế Đông Nam Bộ, cụm cảng Hiệp Phước không chỉ là chùm dự án phục vụ việc di dời các cảng biển cũ thuộc khu vực nội thành. Mà quan trọng hơn còn là nhằm mục đích đổi mới, nâng công suất xếp dỡ, tăng sản lượng hàng hóa qua các cảng khu vực Đông Nam Bộ. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cả khu vực. Do vậy, theo chiến lược phát triển cảng biển của TPHCM đến năm 2025, ngoài cụm cảng Hiệp Phước, còn có một hệ thống các cụm cảng, các khu đô thị, KCN rộng gần 4.000 ha trên địa bàn huyện Nhà Bè sẽ được xây dựng và được định hướng để trở thành khu vực cửa ngõ giao thương quốc tế của thành phố, khu vực, cũng như cả nước.
Trong 3 năm từ 2007 – 2008, trong khi sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã tăng trên 70% thì chiều dài tất cả các cầu cảng tại Việt Nam lại tăng chưa tới 10%
Với ngành hàng hải, đưa cụm cảng Hiệp Phước vào hoạt động là mục tiêu có tính chiến lược. Ông Đỗ Đức Tiến - Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, đa phần các cảng biển của Việt Nam đều nằm khá sâu trong đất liền. Bồi lắng phù sa hàng năm cùng với xu thế sử dụng tàu ngày càng lớn của thế giới khiến các cảng Việt Nam ngày càng khó tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Do đó, di dời, đưa các cảng ra những khu vực rộng để có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn đã trở thành một định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020. Năm 2010 được xác định là năm bản lề trong thực hiện chiến lược này. Trong đó, cùng với cụm cảng Hiệp Phước, một mục tiêu quan trọng nữa là đề xuất cho phép Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Đây là dự án quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện chiến lược kinh tế biển, đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế biển khu vực phía Bắc và cả nước.
Trong năm 2010, ngành hàng hải đặt mục tiêu đóng góp từ 6,5% - 8% vào GDP cả nước. Ngành này sẽ phải liên tục tăng trưởng với tốc độ rất cao để có thể đóng vai trò chính, đưa tỷ trọng kinh tế biển và vùng ven biển chiếm từ 53% - 55% GDP cả nước vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu ấy, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển được xem là yếu tố then chốt.
DDN