Giảm thiểu TNGT tại các tuyến đường ngang giao nhau với đường sắt: Ý thức của người dân là quan trọng

Thứ ba, 05/04/2022 14:54 GMT+7

Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một bộ phận người dân khi đi qua những điểm giao cắt đường bộ - đường sắt là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Để chấn chỉnh vấn nạn này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là sự chủ động nâng cao ý thức của mỗi người dân.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 2 tuyến đường sắt, gồm tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 136 km và tuyến đường nhánh nội thị Diêu Trì - Quy Nhơn dài 10,3 km. Trên chiều dài toàn tuyến có 66 đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có 23 điểm giao cắt có bố trí người trực gác 24/24 giờ; 43 điểm được gắn hệ thống còi, đèn, thanh chắn cảnh báo tự động. Ngoài ra, còn có 124 lối đi dân sinh người dân tự mở trái phép qua đường sắt.

Lực lượng chức năng kiểm tra ATGT tại một điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt
trên địa bàn xã Phước An (huyện Tuy Phước)

Tại các lối đi dân sinh tự mở, hầu hết đã được cơ quan chức năng rào đóng, có gắn biển “chú ý tàu hỏa”. Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, vẫn còn tình trạng người dân cố tình tháo dỡ rào chắn để đi lại thuận tiện hằng ngày. Theo thống kê, dọc theo tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh có tất cả 8 điểm vi phạm, trong đó, huyện Phù Mỹ có 4 điểm, thị xã Hoài Nhơn 2, Vân Canh 2.

Mặc dù số vụ TNGT đường sắt thời gian gần đây không tăng, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt, làm chết 3 người; năm 2021 xảy ra 3 vụ, làm chết 3 người; 3 tháng đầu năm 2022 xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người.

Đáng lo ngại là ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, nhất là quy tắc khi tham gia giao thông tại các đường ngang giao nhau giữa đường bộ và đường sắt của người dân còn chủ quan, tùy tiện. Việc đi lại, chăn thả gia súc trên đường sắt và hành lang đường sắt vẫn còn diễn ra thường xuyên… Đây là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến mất ATGT đường sắt, là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT.

Theo ghi nhận, tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không bố trí người canh gác, thường xuyên xảy ra tình trạng người dân bất chấp tín hiệu đèn, còi, thanh chắn cảnh báo khi có tàu sắp qua và cố tình vượt qua đường sắt. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT đau lòng. Mới đây nhất, vào lúc 17 giờ 45 phút ngày 23/3, tại Km1099+950 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn thôn Bình An 1 (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt làm chết 1 người.

Vào thời điểm trên, tàu SE8 chạy hướng Nam - Bắc khi đi qua đoạn giao cắt với tuyến đường dân sinh thì xảy ra va chạm với xe máy do Đới Xuân Tùng (SN 1997, ở thôn Bình An 2, xã Phước Thành) điều khiển. Vụ tai nạn khiến Tùng bị hất văng ra xa, tử vong tại chỗ, xe máy hư hỏng, biến dạng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn được xác định là do thanh niên này không tuân thủ còi, đèn báo hiệu khi có tàu sắp đi qua, cố vượt qua đường sắt.

Ông Trần Xuân Thương (một người dân ở thôn An Sơn 2, xã Phước An), cho hay: “Hằng ngày, tôi đi làm qua chốt đèn giao nhau giữa đường bộ và đường sắt thuộc địa bàn thôn Bình An 1, thường xuyên chứng kiến nhiều thanh niên bất chấp tín hiệu còi, đèn báo, cố tình vượt qua đường sắt khi có tàu lửa đến gần. Sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người dân là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT thảm khốc; chỉ vì muốn nhanh hơn vài phút mà họ đánh đổi cả mạng sống của chính mình”.

Còn theo đánh giá của Trung tá Đỗ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt (thuộc Phòng CSGT, CA tỉnh Bình Định), phần lớn các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt nguyên nhân chính đều xuất phát từ ý thức chủ quan, không tuân thủ chấp hành hệ thống cảnh báo, cần chắn, đèn, còi được gắn tại các chốt. Có người còn quay đầu xe, lùi xe, đậu đỗ trong hành lang ATGT đường sắt dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNGT đáng tiếc.

Để bảo đảm trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT đường sắt, lãnh đạo CA tỉnh Bình Định đã chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt, cương quyết không để phát sinh thêm các đường ngang trái phép qua đường sắt.

Bên cạnh đó, lực lượng CA tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành quy tắc ATGT. Kết hợp giữa tuyên truyền với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thường xuyên kiểm tra, lắp đặt các rào chắn đảm bảo ATGT tại các lối đi dân sinh giao nhau với đường sắt...

Nguồn: Báo Bình Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)