Do đó, bài viết này đưa ra các nhóm giải pháp nâng cao ATGT trường học với từng nhóm giải pháp đối với từng khu vực và đối tượng tại khu vực trường học, có liên hệ chặt chẽ và khuyến nghị mức độ ưu tiên cũng như các tiêu chí sơ bộ làm căn cứ đánh giá và so sánh mức độ đảm bảo ATGT của các trường học.
1. Vấn đề cấp thiết
An toàn giao thông khu vực trường học là vấn đề vô cùng cấp thiết, đặc biệt đối với các đối tượng chưa thành niên dưới 18 tuổi, hiện đang chiếm 8-10% tỷ lệ trong các vụ tai nạn giao thông. Để nâng cao an toàn giao thông đồng thời đưa ra đánh giá tổng quan cũng như so sánh mức độ an toàn giao thông tại một số khu vực trường học giáo dục phổ thông, bài viết đã thực hiện nghiên cứu để đưa ra các giải pháp đánh giá an toàn.
Đối tượng nghiên cứu là khu vực trường học giáo dục phổ thông và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông đường bộ quanh khu vực trường học. Tập trung vào đối tượng học sinh dưới 18 tuổi, phụ huynh học sinh và các đối tượng khác có liên quan trong khu vực trường học.
Phạm vi nghiên cứu bao gồm khu vực cổng trường, khu vực xung quanh trường học, trong trường học tại một số trường học giáo dục phổ thông. Phương pháp nghiên cứu thông qua phương pháp quan sát, thu thập thông tin về tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực trường học, điều tra khảo sát, phỏng vấn các đối tượng có liên quan, tổng kết kinh nghiệm thực tế và tại một số nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Phương pháp nghiên cứu bao gồm phương pháp quan sát khoa học (quan sát, thu thập thông tin về tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực trường học), phương pháp điều tra (điều tra khảo sát, thu thập số liệu tại các cơ quan, đơn vị quản lý, khảo sát phỏng vấn các đối tượng có liên quan), phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm (tổng kết kinh nghiệm thực tế trong đảm bảo an toàn giao thông nói chung, đối với các đối tượng trẻ em và các khu vực trường học tại một số nghiên cứu trong nước và quốc tế), phương pháp chuyên gia (tham khảo ý kiến của các chuyên gia về ATGT, chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý có chuyên môn liên quan đến vấn đề nghiên cứu) và một số phương pháp khác.
2. Xác định khu vực trường học để áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn
Đối với nghiên cứu, việc xác định khu vực trường học là nhiệm vụ cấp thiết để xác định phạm vi, ranh giới cần nghiên cứu để xác định vấn đề và đề xuất các giải pháp có liên quan. Tuy nhiên hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định, định nghĩa về khu vực trường học cũng như phạm vi xác định khu vực trường học được định lượng một cách rõ rệt. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, tại các quốc gia đang phát triển, “khu vực trường học” đều được đưa vào quy định tại các luật, bộ luật hoặc được luật hóa trong các văn bản quản lý nhà nước để thực hiện các mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông đối học sinh. Cụ thể như sau:
Tại Mỹ: Theo quy định pháp luật, khu vực trường học là cơ sở của một trường công lập, địa phương hoặc tư nhân; hoặc trong khoảng cách 1.000 feed (305m) tính từ địa phận của trường đó (The Code of Laws of the United States of America).[14]
Tại Nhật Bản: Theo Luật An toàn giao thông năm 1970 (交通安全対策基本法) quy định, khu vực trường học là tên của khu vực ưu tiên của các biện pháp an toàn giao thông được thiết lập để bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn giao thông. Khu vực trường học được quy định các tuyến đường trong bán kính 500m từ địa phận trường.
Hình 1: Phạm vi trường học theo quy định Nhật Bản
Tại Hàn Quốc: Theo Điều 8 Đạo luật Bảo vệ môi trường giáo dục quy định, khu vực trường học được xác định nằm trong 200m từ ranh giới trường học với các mức độ bảo vệ: i) Bảo vệ tuyệt đối: trong khu vực cách lối vào trường học 50m; ii) Bảo vệ tương đối: từ 50m-200m cách ranh giới trường học.
Mô hình “Cổng trường an toàn” (nghiên cứu tại Việt Nam từ 2012): thiết lập các biện pháp đảm bảo TTATGT trong khoảng cách 100m từ khu vực cổng trường. Dự án “Giảm tốc độ - trường học an toàn” – năm 2018, thực hiện tại Gia Lai (Quỹ phòng chống thương vong châu Á - AIP): thiết lập các biện pháp đảm bảo TT ATGT trong khoảng cách 100-300m từ khu vực cổng trường. [1]
Theo kết quả khảo sát phạm vi lưu thông chủ yếu của học sinh (phỏng vấn với 230 phiếu và quan sát tại 29 trường học mục tiêu), khu vực tập trung lưu thông chủ yếu đối với học sinh các trường trong khu vực đô thị trong bán kính 300m, ngoài khu vực đô thị là 500m.
Đối với các trường trong khu vực đô thị, khảo sát cho thấy phụ huynh đưa đón học sinh trong phạm 50m từ cổng trường. Học sinh đi bộ và xe đạp chủ yếu trong bán kính dưới 300m từ cổng trường (65%). Đối với các trường ngoài khu vực đô thị, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ,... học sinh đi bộ và xe đạp chủ yếu trong phạm vi 500m từ cổng trường (60%), 500m÷2.000m (30%). Học sinh đi xe gắn máy trong cự ly 1÷3km (55%) và dưới 1.000m (30%) là chủ yếu.
Căn cứ các cơ sở khoa học và thực tiễn được phân tích trên, đề xuất khu vực trường học đối với nghiên cứu, đối với trường học nằm trong khu vực đô thị trong bán kính 300m từ địa phận trường học, trong đó khu vực bảo vệ tuyệt đối là 100m. Đối với trường học nằm ngoài khu vực đô thị, trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ hoặc các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn trong bán kính 500m từ địa phận trường học, trong đó khu vực bảo vệ tuyệt đối 100m.
Các yếu tố chính của khu vực trường học được tập trung nghiên cứu gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông: hệ thống đường, vỉa hè, các biển báo hiệu..., Con người: học sinh, phụ huynh, giáo viên; người làm quản lý,... và Phương tiện: các phương tiện được các yếu tố "con người" sử dụng, và các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường trong khu vực trường học.
3. Phân tích các nguyên nhân và yếu tố rủi ro gây mất ATGT của học sinh trong khu vực trường học
Về yếu tố tầm nhìn, do trẻ em, học sinh có vóc dáng nhỏ và cơ thể của trẻ rất dễ tổn thương. Vóc dáng nhỏ của trẻ cũng làm tăng nguy cơ bị tai nạn vì lái xe có thể không thể nhìn thấy trẻ khi đi trên đường, làm cho trẻ có thể không quan sát được hết giao thông xung quanh.
Việc sử dụng chung làn đường giữa phương tiện cơ giới và phương tiện thô sơ gây nên sự khác biệt tốc độ giữa các nhóm phương tiện tiềm ẩn rủi ro gây tai nạn giao thông, nhất là tại khu vực trường học có nhiều loại phương tiện khác nhau lưu thông, trong đó có số lượng lớn học sinh sử dụng xe đạp, hoặc các phương tiện cơ giới lưu thông với tốc độ thấp.
Đối với yếu tố về phương tiện giao thông, đi bộ, xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện là hình thức giao thông phổ biến ở học sinh Việt Nam. Trong đó học sinh trên 16 tuổi được phép sử dụng xe máy điện và xe gắn máy có gắn động cơ dưới 50cm3 trong khi xe đạp điện không có quy định về độ tuổi sử dụng. Xe đạp điện, xe máy điện có kích thước và trọng lượng nhỏ so với xe máy tuy nhiên so với sức lực và vóc dáng của học sinh chưa phù hợp. Tốc độ khi tham gia giao thông cao, hệ thống phanh của xe chỉ bảo đảm an toàn với vận tốc tối đa 25km/giờ, nhưng nhiều xe chạy với tốc độ 40-50km/giờ do vậy khi phanh gấp xe dễ bị văng ra gây nguy hiểm. Tiết diện tiếp xúc với mặt đường của lốp xe đạp điện, xe máy điện khá nhỏ, dẫn tới độ ma sát với mặt đường kém. Loại phương tiện này thường không có hệ thống báo hiệu chuyển hướng và tiếng nổ động cơ nên khi chuyển làn hay đến nơi giao cắt rất dễ gây TNGT.
Yếu tố về nhận thức, trẻ em là những đối tượng được tuyên truyền còn ít và khả năng tiếp cận với thông tin tuyên truyền các quy định của luật giao thông bị hạn chế hơn so với các đối tượng khác.
Kết quả điều tra khảo sát năm 2018 cho thấy, tại Hà Nội, tại chốt giao thông Tây Sơn- Hồ Đắc Di, phòng CSGTĐB-ĐS Hà Nội đã xử lý gần một chục trường hợp học sinh vi phạm TTATGT là học sinh Trường bán công Đống Đa và Kim Liên và lỗi chủ yếu của các em là không đội mũ bảo hiểm, học sinh điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe.
Tại Hà Giang: Số trẻ em vi phạm hành chính về TTATGT: 539 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 129 trường hợp. Trong đó: Phạt cảnh cáo: 132 trường hợp (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi) và phạt tiền: 407 trường hợp = 176.410.000 đồng (từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi). Các lỗi vi phạm: Không đội mũ bảo hiểm, đội không cài quai: 239 trường hợp; Chưa đủ tuổi điều khiện phương tiện tham gia GT: 113 trường hợp; Đi không đúng phần đường, làn đường: 10 trường hợp; Chở quá số người quy định: 30 trường hợp; Không có GPLX: 15 trường hợp.
Tại Kon Tum có 375 trường hợp trẻ em vi phạm phạm TTATGT (chiếm tỷ lệ 1,20% tổng số trường hợp vi phạm TTATGT của tỉnh)
Sóc Trăng phát hiện có 8.951 trường hợp trẻ em vi phạm giao thông với hành vi không đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và đã ra quyết định phạt cảnh cáo 891 trường hợp.
Theo Nghiên cứu cửa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VAMM: Tại Hà Nội, tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em từ năm 2015 đã gia tăng theo cả 3 tiêu chí: số vụ, số trẻ bị chết và số trẻ bị thương. Học sinh cấp III là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong ba năm gần đây. Tỉ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp III tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100.000 học sinh. Học sinh cấp 3 (16-18 tuổi) là đối tượng bị TNGT và tử vong cao nhất, trên 80% các vụ TNGT xảy ra khi trẻ em đang cầm lái điều khiển phương tiện. Mức rủi ro tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP Hồ Chí Minh cao gấp 3 - 4 lần mức rủi ro trung bình của người dân thành phố; cao gấp 8-9 lần trẻ em cùng nhóm tuổi ở các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.
Một số mẫu vạch sơn đang được áp dụng trên thế giới
Kết quả tổng hợp từ nghiên cứu “Các giải pháp nâng cao ATGT cho trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh” (2015) và “Các giải pháp nâng cao An toàn giao thông cho học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội” (2017), nằm trong chương trình hợp tác giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VAMM giai đoạn 2015-2016, 2016-2017.
4. Đánh giá hiệu quả một số giải pháp đã được áp dụng
Đối với giải pháp tổ chức giao thông tại khu vực trường học, các giải pháp đã được áp dụng như phân luồng giao thông trước cổng trường học vào giờ cao điểm; trường học chủ động sắp xếp giờ học sao cho phù hợp với đặc điểm địa bàn, bảo đảm tốt nhất tình hình giao thông. Như trường THCS Hồng Bàng (Hải Phòng), tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường chủ yếu xảy ra trong thời gian buổi chiều. Nhà trường thực hiện giờ tan học lệch ca giữa 2 khối lớp 6 và 7 (học buổi chiều). Sau thời gian triển khai thực hiện, tình trạng kẹt xe kéo dài trước cổng trường đã được khắc phục. Đối với những trường có 02 mặt đường/phố, mở thêm cổng phụ để giảm tải lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn ở một đường/phố. Như: Trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông, Hà Nội) với số lượng học sinh đông, mỗi giờ tan nhà trường bố trí mở hai cổng chính và phụ ở hai con phố khác nhau; Trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) mở thêm 2 cổng phụ bên hông trường và 1 cổng phụ để giải tỏa nhanh lượng xe phụ huynh đón học sinh trong trường.
Tổ chức xe đưa đón học sinh nhằm giảm lưu lượng phương tiện phụ huynh đưa/đón con và học sinh tự tham gia giao thông,.. Đây là giải pháp được nhiều trường học sử dụng, nhất là các trường tiểu học trong khu vực thành phố. Ngoài giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại khu vực trường học còn đảm bảo an toàn cho học sinh đi/về đúng giờ, không la cà quán xá ở cổng trường,… Như tại Đồng Nai có trường tiểu học Long Bình Tân, (thành phố Biên Hòa); các trường ở Hà Nội (Lômônôxốp, Đoàn Thị Điểm, Vinschool, …) và thành phố Hồ chí Minh (Vinschool, UK Academy…). Các trường ở Hạ Long, Quảng Ninh (Mầm non quốc tế Hạ Long; Đoàn Thị Điểm; Tiểu học, THCS, THPT Văn Lang, Đoàn Thị Điểm)
Nhà trường phối hợp với địa phương sắp xếp khu vực đỗ xe cho phụ huynh học sinh, giải tỏa các hàng, quán lấn chiếm vỉa hè gần cổng trường để làm điểm chờ cho phụ huynh. Đối với trường học có sân rộng, nhà trường đều ưu tiên mở cổng để phụ huynh vào sân đợi đón học sinh.
Lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các ngã ba, ngã tư gần khu vực trường học (nếu có). Cắm biển báo hạn chế phương tiện tham gia giao thông gần khu vực trường học vào giờ cao điểm (giờ vào học và giờ tan học của học sinh)
Cho phép phụ huynh vào sân trường đưa đón học sinh, với các học sinh đi bộ hoặc đi xe đạp sẽ được đi theo cổng phụ. Giải pháp này đã giảm tải được lượng lớn học sinh tan ca. Ví dụ như trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Đông, Hà Nội), nhà trường mở cổng để phụ huynh vào sân đợi đón học sinh.
Tổ chức giao thông ngoài đô thị khu vực gần trường học như bố trí làn riêng cho xe đạp và xe thô sơ trên đường bên hoặc lề gia cố hoặc đi chung với phần xe chạy. Tại các vị trí giao cắt hoặc nhiều vị trí trên đường tại các khu đông dân cư còn bố trí vạch sang đường cho người đi bộ, biển báo có người đi bộ sang đường hay bố trí các cầu vượt qua các tuyến quốc lộ dành cho người đi bộ, đi xe đạp tại các vị trí gần khu vực trường học. Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn phần lớn chỉ đạt từ cấp V trở xuống thì giải pháp tổ chức giao thông cho đối tượng này chủ yếu là lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, vạch sơn và gờ giảm tốc tại khu vực có trường học nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho đối tượng học sinh.
Quản lý tốc độ của phương tiện cơ giới trên các tuyến đường xung quanh khu vực trường học, khu vực vui chơi và khu dân cư nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ gây TNGT và giảm thiểu mức độ chấn thương do TNGT đối với trẻ em. Hạn chế lưu lượng xe và tốc độ lưu thông trước khu vực cổng trường vào các giờ cao điểm của trường học. Cắm biển hạn chế tốc độ khu vực gần trường học; làm gờ giảm tốc/sơn giảm tốc để giảm tốc độ phương tiện khi đi gần trường học.
Về tuyên truyền, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục ATGT vào nhà trường vào tất cả các cấp học dưới dạng hình thức ngoại khóa hoặc lồng ghép trong các tiết học về Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Giáo dục quốc phòng,…
5. Đề xuất một số giải pháp
Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực trường học theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, trong đó chú trọng đến việc bố trí vỉa hè, đường đi bộ và đường đi xe đạp. Cụ thể, đối với đường đô thị: bố trí đường dành riêng cho xe đạp đối với các tuyến đường từ cấp đường chính khu vực trở lên, chiều rộng đường xe đạp tối thiểu 3m đảm bảo 2 làn xe, được bố trí làn xe ngoài cùng hai bên đường phố. Đối với đường ngoài đô thị bố trí làn dành riêng cho xe đạp và xe thô sơ đối với đường đạt cấp III trở lên.
Hiện nay, Theo Quy chuẩn QCXDVN 01:2008/BXD và QCVN 07-4:2016/BXD cấp đường chính khu vực trở lên phải bố trí đường dành riêng cho xe đạp; đối với đường ngoài đô thị được hướng dẫn thực hiện theo cấp đường thiết kế theo TCVN 4054-05 hoặc/và 22 TCN-273-01, Theo đó, đường cấp II (có tối thiểu 04 làn xe cơ giới, chiều rộng 1 làn xe là 3,75m), đường cấp III (có tối thiểu 2 làn xe cơ giới, chiều rộng 01 làn xe là 3,5m) và đường cấp IV (có tối thiểu 2 làn xe cơ giới, chiều rộng làn xe 2,75) thì cần bố trí làn riêng cho xe đạp và xe thô sơ trên đường bên hoặc lề gia cố hoặc đi chung với phần xe chạy (phụ lục 2). Đối với đường GTNT phần lớn chỉ đạt từ cấp V trở xuống thì giải pháp TCGT chủ yếu là lắp đặt biển báo giao thông, vạch sơn và gờ giảm tốc tại khu vực có trường học, khu chợ, nút giao thông. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các đường đô thị tại Việt Nam chưa đạt đúng cấp như trong quy hoạch, do vậy các tuyến đường cần được cải tạo phù hợp với từng trường hợp để có thể bố trí được diện tích cho đường xe đạp.
Xây dựng cầu vượt (hoặc hầm chui) tại khu vực trường học tại vị trí vượt qua đường trong trường hợp qua khu vực trường học có lưu lượng xe lớn hơn 2.000 PCU/h và lưu lượng bộ hành lớn hơn 100 người/h tính giờ cao điểm khi đến trường và tan học (Tham khảo QCVN 04-7:2016/BXD)
Rà soát bố trí hệ thống biển báo hiệu đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực trường học, đặc biệt chú trọng đến khu vực các trường nằm trên các tuyến đường trục chính đô thị, đường quốc lộ, tỉnh lộ nơi lượng lớn phương tiện giao thông cơ giới lưu thông với tốc độ lớn.
Sử dụng gờ giảm tốc, gồ giảm tốc, sơn giảm tốc, vạch cảnh báo (giảm tốc độ) có màu sắc tương phản trong khu vực trường học, trong đó chú trọng đến các vật liệu có tính ma sát cao để tăng cường hiệu quả của phanh khi phương tiện quan sát thấy học sinh lưu thông.
Nghiên cứu sơn vạch kẻ đường bằng hình ảnh 3D
trong khu vực trường học để thu hút sự chú ý của lái xe
khi đi qua, đồng thời khuyến khích người đi bộ sang đường đi đúng vạch kẻ
Lắp đặt hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông khu vực trường học. Hệ thống giám sát và xử lý vi phạm sẽ góp phần trực tiếp nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện. Với biện pháp này có thể từng bước hoàn thiện việc đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của người tham gia giao thông, chủ động đối phó với các tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Đánh giá mức độ ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo TT ATGT gồm (biển báo khu vực trường học, đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc/ sơn giảm tốc,..) theo các khu vực trường học khác nhau nhằm xác định những danh mục hạ tầng giao thông cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp, cải tạo.
ThS. Nguyễn Tiến Thành
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT