Ngành GTVT Hải Dương quyết tâm chuyển đổi số, hướng đến giao thông thông minh

Thứ tư, 22/06/2022 02:31 GMT+7

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã nỗ lực tham mưu nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả vai trò quản lý, điều hành GTVT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhận thức rõ vai trò, hiệu quả việc chuyển đổi số, Sở GTVT đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tự xây dựng đưa vào sử dụng các phần mềm chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ của ngành như: Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống quản lý xe buýt thông minh; rút ngắn thời gian cấp đổi giấy phép lái xe từ 5 ngày xuống 1 ngày; rút ngắn thời gian cấp giấy phép lái xe mới từ 10 ngày xuống còn 3 ngày; hệ thống dữ liệu địa chất công trình trên địa bàn tỉnh Hải Dương; xây dựng hệ thống trả lời tự động Chatbot xử lý công việc; hệ thống quản lý thông tin xe vào đường cấm; hệ thống quản lý bến thuỷ nội địa…

Với nền tảng công nghệ thông tin đã triển khai áp dụng, Sở GTVT đã và đang rà soát các chức năng nhiệm vụ cụ thể của ngành để tiếp tục đẩy mạnh số hoá xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số ngành GTVT, hướng tới giao thông thông minh. Năm 2022, Sở GTVT sẽ triển khai xây dựng phần mềm quản lý đào tạo lái xe; quản lý phương tiện thuỷ nội địa; quản lý phương tiện xe máy chuyên dùng; quản lý dữ liệu tình hình trật tự an toàn giao thông; quản lý xử phạt vi phạm hành chính; cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các đội về kết quả kiểm soát tải trọng xe, kết quả tuần tra đường bộ; nâng cấp phần mềm quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Sở cũng phối hợp TP Hải Dương, TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn xây dựng đô thị thông minh, tiến hành xử lý "phạt nguội" các trường hợp vi phạm giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông.


Cán bộ Sở GTVT thực hiện giám sát quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và

giám sát điều hành thu phí không dừng qua phần mềm

Trên cơ sở các hệ thống dữ liệu được Sở GTVT số hoá và xây dựng các phần mềm quản lý sẽ tích hợp vào các nội dung, chương trình chuyển đổi số của tỉnh, trung ương, đồng thời từng bước xây dựng hình thành hệ thống giao thông thông minh: Trung tâm Điều khiển giao thông (TCC); hệ thống quản lý tín hiệu và giao thông (TSC); hệ thống giám sát truyền hình mạch kín (CCTV); hệ thống kiểm soát an toàn giao thông; hệ thống thu thập dữ liệu giao thông; hệ thống tuyên truyền dành cho người tham gia giao thông; hệ thống điều động và định vị tự động phương tiện tham gia giao thông; hệ thống định vị toàn cầu (GPS) nhằm xây dựng hệ thống giao thông mới phát triển dựa trên cơ sở công nghệ thông tin hiện đại để cải thiện tính hiệu quả hệ thống giao thông qua việc giảm mạnh 3 tác động xấu (tắc nghẽn giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường), giảm chi phí vận hành, nâng cao mức độ an toàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Sở GTVT chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực để tạo nền tảng cho các quy trình ứng dụng mới với mục tiêu tất cả lãnh đạo ngành, phòng, ban, đơn vị nhận thức sâu sắc về chính phủ điện tử và chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình; 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan hằng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. Tất cả cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia./.

Nguồn: Báo Hải Dương

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)