Chuyển đổi số đang dần thay đổi thói quen của người dân

Thứ sáu, 14/10/2022 08:16 GMT+7

Lợi ích mang lại của chuyển đổi số đang được thể hiện rất rõ trong việc cung cấp dịch vụ công, đồng thời dần làm thay đổi các hoạt động hàng ngày của người dân.

Sau nhiều năm thúc đẩy chuyển đổi số, đến thời điểm này lợi ích mang lại là rất lớn, thể hiện rất rõ trong cung cấp dịch vụ công của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ví dụ như dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; cấp hộ chiếu phổ thông giúp người dân, doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian.

chuyen doi so dang dan thay doi thoi quen cua nguoi dan hinh anh 1

Người dân làm thủ tục hành chính đã được hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý.

Ảnh minh họa: VGP

Một số người dân có mặt tại Trung tâm phục vụ Hành chính công ở các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn khi làm thủ tục hành chính chia sẻ:

“Trước đây chúng tôi đi làm thủ tục giấy tờ phải gặp nhiều bộ phận, đi hết chỗ này đến chỗ khác nên gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có cơ quan hành chính công việc giải quyết các giấy tờ, thủ tục thuận tiện hơn rất nhiều, không phải đi lại phiền hà như trước đây”.

“Hiện nay người dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính đã được các cơ quan tạo nhiều thuận lợi, bởi các thủ tục hành chính được tiếp nhận giải quyết công khai, minh bạch và được tạo những điều kiện thuận lợi nhất, rút ngắn thời gian nhất”.

“Việc đẩy mạnh cải cách hành chính công giúp người dân tiết kiệm hơn về mặt chi phí và thời gian. Tôi mong công tác này sẽ ngày càng tốt hơn”.

Theo đánh giá kết quả chuyển đổi số của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số vào tháng 8 vừa qua, 100% các Bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 52 nền tảng số được phát triển và công bố tại địa chỉ makeinVietNam.mic.gov.vn. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%.

Chuyển đổi số đang dần thay đổi các hoạt động hàng ngày của người dân, từ việc mua hàng trên các trang thương mại điện tử, đặt xe taxi qua ứng dụng trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng ngân hàng số, học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa,…

Trong Bảng xếp hạng chuyển đổi số, 2 năm liền TP Đà Nẵng đã đứng ở vị trí thứ Nhất. 100% doanh nghiệp ở Đà Nẵng sử dụng hoá đơn điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt đã triển khai tại 3 chợ có quy mô cấp thành phố, với hơn 1.000 tiểu thương tham gia. Các ứng dụng như “Một chạm đến Đà Nẵng -VR360”, Chatbot hỗ trợ khách du lịch, Thẻ du lịch thông minh, Tài khoản giao dịch điện tử, Hồ sơ sức khoẻ điện tử kết hợp với mã ID duy nhất, học bạ điện tử… được sử dụng rộng rãi.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đang triển khai mô hình chính quyền đô thị, dựa trên hai nguyên tắc chính là phân cấp và uỷ quyền. “Việc triển khai đô thị thông minh, ứng dụng thông minh giúp công khai cung cấp dữ liệu cho các cơ quan và người dân. Việc giám sát phân cấp uỷ quyền cũng tốt hơn đã thể hiện quyết tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố và sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền, người dân và doanh nghiệp”, ông Thạch nói.

Cũng là 1 trong Top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu Bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng đội ngũ thanh niên trở thành lực lượng xung kích trong việc hướng dẫn người dân chuyển đổi số. Các trưởng bản trở thành tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn bà con phát triển cửa hàng số, giúp doanh số bán nông sản online tăng 174 lần so với trước khi đưa lên các sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, Tỉnh đoàn Lạng Sơn sẽ cùng các cơ sở đoàn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp mở cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

chuyen doi so dang dan thay doi thoi quen cua nguoi dan hinh anh 2

Với sự hỗ trợ của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số,

nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa. Ảnh minh họa: KT

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin. và Truyền thông nêu rõ: Tuổi trẻ và chuyển đổi số là song hành, thúc đẩy cùng phát triển cùng lớn lên do đó vai trò của thanh niên luôn là lực lượng xung kích, tuyến đầu, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số sẽ được lan tỏa đến mọi ngõ ngách của đời sống, mang lại giá trị, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai mô hình Tổ Công nghệ số cộng đồng, với lực lượng nòng cốt là đoàn thanh niên thôn, xóm, xã phường và sự tham gia các doanh nghiệp công nghệ số. Mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng hiện  có 200.000 người đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, để hướng dẫn người dân có thể tham gia quá trình chuyển đổi số nhanh hơn.

Có thể thấy, quá trình chuyển đổi số đang cần nhiều hơn nữa những con người vừa biết cách sử dụng các giải pháp nền tảng số, vừa biết cách đảm bảo an toàn thông tin. Tuy nhiên, thách thức trong quá trình chuyển đổi số đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Nguồn: Vov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)