Lai Châu chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ hai, 24/10/2022 09:43 GMT+7

Với phương châm: “Giao thông đi trước mở đường”, Lai Châu chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các công trình giao thông huyết mạch kết nối trong tỉnh và các tỉnh khu vực.

Cuối tháng 12/2021, Dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” (thực hiện từ năm 2021-2024; trong đó tuyến 1, kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 147km đường cấp III miền núi) được Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ khởi công xây dựng tại thành phố Lai Châu. Sự kiện này đánh dấu bước đột phá quan trọng về kết cấu hạ tầng giao thông của Lai Châu.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Đây là một trong những dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông quan trọng kết nối các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Hà Nội-Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Nhờ đó, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách. Góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế; xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nơi có dự án đi qua; củng cố và bảo đảm quốc phòng - an ninh cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhà thầu thi công tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua xã Bản Hon, huyện Tam Đường.

Nhà thầu thi công tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai,

đoạn qua xã Bản Hon, huyện Tam Đường.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh cùng các huyện, thành phố nằm trong vùng dự án cũng như sự đồng thuận của Nhân dân, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị thi công đã và đang đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo theo yêu cầu hồ sơ dự thầu. Giá trị khối lượng thực hiện ngoài hiện trường của nhà thầu ước tính đạt 9,85%; lũy kế giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 11,5%.

Tiếp nối Dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” là Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu). Vị trí xây dựng hầm nằm trên đèo Hoàng Liên có độ cao lên tới 2.094m so với mực nước biển, sẽ thay thế 22km đường đèo nguy hiểm nhất trên quốc lộ 4D, rút ngắn thời gian di chuyển qua đèo từ 52 phút với xe con và khoảng 120 phút với các xe tải, xe container xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng xuống còn 11 phút. Bên cạnh đó, dự án còn được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn về kiến trúc, du lịch tại các khu vực Ô Quý Hồ, Sa Pa, Tam Đường, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Đây chỉ là 2 trong nhiều dự án mà Lai Châu đã và đang tập trung các nguồn lực để nâng cấp, cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội tỉnh. Có thể kể đến đoạn nối từ thành phố Lai Châu ra cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4H, Quốc lộ 12; nâng cấp tỉnh lộ 129 từ thành phố Lai Châu đi Sìn Hồ. Hay, các tuyến giao thông nội tỉnh như: đường tỉnh lộ 130 (Nậm Sỏ - Tân Uyên), đường tỉnh 128 (Chăn Nưa - Sìn Hồ) và đường tỉnh 130 (San Thàng - Mường So); tuyến vành đai biên giới Pa Tần - Mường Tè…

Ngoài những dự án giao thông kết nối vùng miền của tỉnh, các huyện, thành phố chú trọng thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Lai Châu lần thứ XIV đề ra. Đó là, đến năm 2025, 100% thôn, bản có đường ôtô, xe máy đi lại thuận lợi. Đây được coi là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, bền vững giúp người dân thuận lợi giao thương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Giao thông được huyện Phong Thổ xác định là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, nông sản của người dân nên được chú trọng đầu tư và người dân đồng tình, tự nguyện thực hiện. Huyện đã chỉ đạo các xã phát quang các tuyến đường giao thông nội bản, nạo vét cống, rãnh thoát nước, duy tu sửa chữa hư hỏng nhỏ, đảm bảo thuận tiện đi lại cho người dân. Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn các xã có 229/229km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bêông hóa và 265/370km đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản được cứng hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm. 136/193km đường ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo sạch, không lầy lội vào mùa mưa, 118/311km đường nội đồng được cứng hóa.

Đến nay, toàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ, 10 tuyến tỉnh lộ, tổng chiều dài trên 1.000km (trong đó quốc lộ 515km, tăng 2 tuyến; tỉnh lộ tăng 6 tuyến so với năm 2015) cơ bản được cải tạo nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp VI miền núi; mặt đường được bêtông nhựa, láng nhựa. Hệ thống đường đô thị tăng thêm 36km, nâng tổng chiều dài các tuyến đường đô thị lên trên 185km. Đặc biệt, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm, mặt đường được cứng hóa. Hệ thống giao thông nông thôn có tổng 5.300km.

Hệ thống đường đô thị của thành phố Lai Châu và thị trấn của các huyện đã và đang được đầu tư xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt; giao thông đô thị ngày càng khang trang, đáp ứng tốc độ phát triển theo quy hoạch đô thị của tỉnh. Đường giao thông nông thôn được đầu tư theo quy hoạch, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh.

Nguồn: Báo Lai Châu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)