Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sảng Mộc (Võ Nhai)
được hướng dẫn cách phòng tránh nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Nhiều người vẫn ám ảnh khi chứng kiến vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 24/10/2022 tại khu vực đường tròn trung tâm TP. Thái Nguyên. Thời điểm đó, cháu N.H.P (sinh năm 2007), tổ 10, phường Phú Xá, điều khiển xe gắn máy mang biển kiểm soát 20F8-3697 hướng đường Cách mạng Tháng Tám đến đường Đội Cấn đã đâm va với xe ô tô tải biển kiểm soát 20C-20887 do anh Nông Thanh Tú, tổ 7, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), điều khiển, đi phía trước cùng chiều. Hậu quả, cháu N.H.P tử vong tại bệnh viện.
Cũng trong tháng 10/2022, tại Km06, Đường tỉnh 274, đoạn thuộc xóm Xuân Dương, xã Thành Công (TP. Phổ Yên), xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô tải biển kiểm soát 20C-07126 do anh Đặng Văn Cường, tổ dân phố Duyên Bắc, phường Tân Hương, điều khiển đi hướng Thái Nguyên - Vĩnh Phúc đâm va vào xe máy điện không gắn biển kiểm soát do cháu Uông Văn Thiện (sinh năm 2008), xóm Bia, xã Thành Công, đi phía trước ngược chiều. Vụ tai nạn khiến cháu Thiện bị thương nặng, xe máy điện bị hư hỏng…
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), chỉ trong tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh khiến 1 em tử vong, 4 em bị thương. Nguyên nhân mỗi vụ việc khác nhau, nhưng một số vụ liên quan đến sự thiếu quan sát của học sinh, hay do chính các em vi phạm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi như: Chưa đủ tuổi đã điều khiển xe mô tô phân khối trên 50cc, đi xe gắn máy, xe máy, đạp điện không đội mũ bảo hiểm, tụ tập đông người, phóng nhanh, vượt ẩu…
Đại úy Đỗ Duy Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Định Hóa, cho biết: Trong năm 2022, Đội đã tổ chức các chuyên đề tăng cường kiểm soát, xử lý tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh và xử phạt hàng chục trường hợp. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Đáng lo ngại nhất là các cháu học sinh đi xe đạp, xe máy điện phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người tham gia giao thông.
Nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, các cấp, ngành, trường học tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền theo hình thức trực quan, sân khấu hóa, hội thi cho học sinh. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng triển khai hiệu quả các mô hình cổng trường an toàn giao thông hoặc mô hình tự quản cổng trường an toàn.
Cô giáo Hà Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Tự Minh, xã Động Đạt (Phú Lương), cho biết: Nhà trường đã phối hợp với đoàn thanh niên, lực lượng Công an để đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền và hướng dẫn phụ huynh học sinh đỗ xe đúng vị trí quy định; không gây mất an toàn giao thông, không tụ tập đông người.
Có thể nhận thấy, thời gian qua, ngành chức năng và các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh. Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng là sự giáo dục, quan tâm của các bậc phụ huynh. Các bậc làm cha mẹ phải là những người đầu tiên giáo dục con cái về an toàn giao thông trước khi giao trách nhiệm đó cho nhà trường và xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Có như vậy, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh mới có thể được giảm thiểu.