Công diễn vở kịch 'Sống mãi tuổi mười bảy' dịp Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

Thứ ba, 29/11/2022 08:27 GMT+7

Chiều 28/11, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức giới thiệu vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy”. Vở kịch sẽ công diễn đúng vào dịp diễn ra Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII nhằm lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh tới bạn trẻ.

Chương trình giới thiệu vở kịch "Sống mãi tuổi mười bảy"

Chiều 28/11, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức chương trình giới thiệu vở kịch "Sống mãi tuổi mười bảy".

Dự và chủ trì có đồng chí Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam; NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ; anh Nguyễn Thái An - Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn.

Lan tỏa khát vọng cống hiến

Theo Ban Tổ chức, vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy” được viết dựa trên một số sự việc có thực trong tiểu sử của anh hùng Lý Tự Trọng và được dàn dựng theo cách nhìn, cách nghĩ của thế hệ trẻ ngày hôm nay, rút ra cho tuổi trẻ những bài học lớn về cuộc đời chiến đấu hy sinh của anh.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của anh Lý Tự Trọng đã để lại cho lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam nhiều bài học quý báu: Về lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu chuộng hòa bình và tinh thần tự tôn dân tộc; về tấm gương ham học hỏi, ham hiểu biết để đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho dân tộc; về lòng can đảm, anh dũng và ý chí sắt đá của chiến sỹ cộng sản chân chính; về tình đồng chí, đồng đội thủy chung son sắt; tấm lòng kiên trung, sắt son niềm tin với Đảng, phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

T.Ư Đoàn đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng vở diễn “Sống mãi tuổi mười bảy” nhằm một lần nữa khẳng định tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước cường quyền và mọi thế lực áp bức đô hộ.

Đồng thời, truyền đi thông điệp về khát vọng cống hiến của tuổi trẻ. Thời của anh hùng Lý Tự Trọng là khát vọng giành độc lập tự do cho Tổ quốc, còn thế hệ trẻ ngày nay là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chia sẻ tại chương trình, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn vở kịch "Sống mãi tuổi mười bảy" cho biết, vở kịch được chuẩn bị công phu từ tháng 8. Các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ miệt mài tập luyện trong suốt 1 tháng.

Vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy” sẽ công diễn vào lúc 20h00 ngày 13 và 14/12/2022, tại Nhà hát Tuổi trẻ (Số 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Thúc đẩy công tác giáo dục qua sản phẩm nghệ thuật

Trao đổi tại chương trình, anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn cho biết, công diễn vở kịch "Sống mãi tuổi mười bảy" là hoạt động văn hóa ý nghĩa trong khuôn khổ chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Ý nghĩa và chất lượng nghệ thuật của vở kịch được đảm bảo, thậm chí còn trên những mong muốn đặt ra. Ban Tổ chức mong muốn thúc đẩy công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua sản phẩm nghệ thuật; đưa sản phẩm nghệ thuật đến đúng đối tượng cần thụ hưởng.

Theo anh Nguyễn Tường Lâm, để chương trình công diễn thành công cần đưa sản phẩm đến đúng đối tượng thụ hưởng; trong đó đối tượng cần tiếp cận nhất là đoàn viên thanh niên. Để thực hiện điều này, 1.000 khán giả đầu tiên theo dõi vở kịch là 1.000 đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đại diện cho đoàn viên thanh niên cả nước. Ban Tổ chức kỳ vọng, qua đó ý nghĩa và nội dung, thông tin vở kịch tiếp tục lan tỏa, đến với đông đảo đoàn viên, thanh niên hơn.

Anh Nguyễn Thái An cũng cho biết, T.Ư Đoàn phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ lưu diễn vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy” tại các tỉnh, thành, thời gian dự kiến đến tháng 3/2023 để tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên.

Vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy” là tác phẩm sân khấu đầu tiên của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ngay từ khi ra đời vở kịch đón nhận được tình cảm đặc biệt và sự yêu mến của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Vở kịch đạt giải nhất Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980. Câu chuyện kịch tái hiện lại thời kỳ oanh liệt gần 100 năm trước khi đất nước đang chìm trong ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống nhân dân ta cơ cực lầm than. Lý Tự Trọng là người sớm được giác ngộ trong nhóm chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi được dẫn dắt bởi đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Anh được cử về nước, hoạt động tại Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng; đồng thời vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn TNCS trong nước.

Chuyện kịch xảy ra trong một giai đoạn rất ngắn lột tả sự áp bức của những kẻ thực dân cai trị cùng nỗi thống khổ của người dân lao động dưới ách thuộc địa. Trước con mắt của người thanh niên trẻ tuổi ấy, anh hiểu rằng cần phải giúp đỡ và cảm hóa tầng lớp cần lao cùng nhau vùng lên giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Dù bọn mật thám liên tục lùng sục, vây bắt gắt gao, nhưng Lý Tự Trọng đã sáng tạo, gan dạ vượt qua mọi sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngày 8/2/1931, các chiến sỹ cách mạng tổ chức mít tinh kêu gọi quần chúng vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Giữa lúc ấy, tên cò Lơgơrăng và bọn cảnh sát ập tới. Để giải cứu cho đồng chí của mình, Lý Tự Trọng không sợ sự nguy hiểm, đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám… anh bị bắt và đưa về bốt Catina.

Trong nhà tù thực dân đế quốc, kẻ thù sử dụng nhiều hình thức tra tấn dã man, tàn khốc nhưng anh vẫn không một lời khai báo. Anh bị kết án tử hình.

Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác…”. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương đã không dám đưa ra xét xử công khai; và quyết đưa nhanh bản án tử hình đối với Lý Tự Trọng ra thực hiện dù anh chưa đủ tuổi thụ án theo quy định của luật pháp thực dân. Rạng sáng 21/11/1931, chúng hèn hạ dựng máy chém ở ngay Khám lớn Sài Gòn để giết anh.

Nguồn: Báo Tiền phong

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)