An Giang: Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Thứ sáu, 17/03/2023 14:50 GMT+7

Chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chọn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Ảnh minh họa

Triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia với 3 mục tiêu: (1) Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; (2) Giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; (3) Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Để triển khai đồng bộ, hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đồng thời, phấn đấu giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông. Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước - Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh yêu cầu Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ. 

Cụ thể như Ban An toàn giao thông tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bảo đảm TTATGT bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông 2023: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT để kịp thời đánh giá nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông. Triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước - Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện pháp luật về TTATGT: Triển khai thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban ATGT Quốc gia, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT thuộc các lĩnh vực quản lý: vận tải, phương tiện, người lái, kết cấu hạ tầng giao thông… và các lĩnh vực khác có liên quan. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là những nội dung mới của các văn bản pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đến các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, tàu của các cơ sở đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ giáo viên dạy lái xe, tàu theo chương trình quy định. 

Bên cạnh, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát: Triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo vệ hành lang ATGT; việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo trì kết cấu hạ tầng về đường bộ, đường thủy nội địa; phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm khi phát hiện các vi phạm đối với các bến khách ngang sông (bến, phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện...). Phân tích dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, về hành trình của chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải. Kết nối và chia sẻ dữ liệu quản lý về Giấy phép lái xe với lực lượng Cảnh sát giao thông.  Ứng dụng công nghệ thông tin, camera giám sát quá trình sát hạch cấp giấy phép lái xe, tàu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn thủy nội địa và có biện pháp quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện giao thông. Đề xuất khắc phục những hạn chế, yếu kém và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, lái tàu. Nâng cao chất lượng trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải do địa phương quản lý và các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa. Xử lý nghiêm vi phạm, kiên quyết đình chỉ chức vụ đối với những trường hợp cán bộ, công chức, đăng kiểm viên vi phạm quy định trong công tác chuyên môn hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đối với công tác bảo đảm ATGT của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông: Thực hiện kế hoạch bảo trì cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý dứt điểm, kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh do lực lượng Cảnh sát giao thông, các cơ quan báo chí và người dân kiến nghị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị thi công, bảo trì, sửa chữa cầu, đường để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức, bảo đảm ATGT, chống ùn tắc giao thông tại các công trình vừa thi công vừa khai thác. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan kiên quyết giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ; tập trung phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông. Thay thế, bổ sung kịp thời, đầy đủ cọc tiêu, biển báo giao thông bị hư hỏng hoặc mất tác dụng trên các tuyến đường do địa phương quản lý, đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn QCVN41: 2019/BGTVT.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát trật tự và Công an các địa phương: Triển khai thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trong các dịp lễ, tết; các kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề, như: người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ; phòng, chống đua xe trái phép,...Tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, về nồng độ cồn, đi không đúng làn đường, chở quá số người quy định, phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật,…

Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh không đủ tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích trên 50cm3 và thông tin cho nhà trường về các trường hợp học sinh vi phạm để có hình thức xử lý kịp thời; đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với phụ huynh về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ. Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; chú trọng kiểm tra việc thực hiện các quy định về trang bị và sử dụng phao cứu sinh, dụng cụ nổi cá nhân trên các phương tiện vận tải khách, vận tải khách ngang sông, đặc biệt tại các khu du lịch; kiên quyết xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và xử lý ùn tắc giao thông địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2195/CT-UBND ngày 15/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp của Công an tỉnh và Sở Y tế về việc phối hợp kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông cho học sinh trong các dịp cao điểm như: Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 01/5, hè, Quốc khánh 02/9; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đầu năm học mới 2023 - 2024. Đồng thời, chỉ đạo các trường học yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh học sinh các cấp yêu cầu học sinh tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy khi tham gia giao thông; không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe và sau khi đã uống rượu, bia,... Tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh (kể cả các nhân giáo viên thuê ô tô đưa đón học sinh từ trường về nhà giáo viên và ngược lại) không đủ điều kiện theo quy định để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho các em học sinh.

Đối với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan thành viên Ban an toàn giao thông tỉnh và Ban an toàn giao thông huyện, thị xã, thành phố: Sử dụng linh hoạt các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, trên mạng xã hội và hạ tầng số để đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật TTATGT đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, mọi tầng lớp nhân dân, và người dân vùng nông thôn. Lãnh đạo, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên nhắc nhở cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện và vận động người thân chấp hành nghiêm các quy định về Luật Giao thông đường bộ, nhất là “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cụ thể tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn; đề ra giải pháp cụ thể và có phân công rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn trong năm 2023. Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn tập trung xử lý, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố làm nơi mua bán; xử lý nghiêm, cương quyết và triệt để các hành vi vi phạm các quy định về hành lang an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về TTATGT, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô hợp đồng không đủ điều kiện theo quy định và học sinh không đủ tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích trên 50cm3.

Theo số liệu báo cáo năm 2022, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã làm 57 người chết; so với cùng kỳ năm 2021 tăng 18 người chết. Tình hình vi phạm TTATGT của người tham gia giao thông còn ở mức cao, trong đó vi phạm về nồng độ cồn là 2.436 trường hợp, chạy quá tốc độ cho phép là 3.411 trường hợp, đội mũ bảo hiểm là 1.886 trường hợp, không giấy phép lái xe là 4.209 trường hợp,… Đặc biệt là trong 02 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 vụ, làm chết 32 người, bị thương 16 người; so cùng kỳ năm 2022 tăng 30 vụ, tăng 24 người chết, tăng 16 người bị thương. Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông như: đi không đúng phần đường quy định; tránh, vượt xe không đúng quy định; sử dụng rượu, bia, người đi bộ qua đường thiếu quan sát; không làm chủ tay lái; chuyển hướng không đúng quy định;…

Vì vậy việc phấn đấu giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông là quyết tâm của Ban ATGT các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và đặt biệt là ý thức tuân thủ theo quy định pháp luật về ATGT của mỗi người khi tham gia giao thông. 

Nguồn: Cổng TTĐT An Giang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)