Doanh nghiệp lợi lớn nhờ số hóa dữ liệu tàu biển

Thứ tư, 30/08/2023 07:59 GMT+7

Nhờ triển khai cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển điện tử đã tạo nhiều thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Ngồi nhà nhận giấy chứng nhận đăng kiểm

Nhớ lại thời điểm cách đây một năm, ông Lê Phan Thành, Phó trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) vẫn chưa quên quá trình gian nan khi làm thủ tục và nhận giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển cho công ty.

Nhờ xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm, kết quả kiểm tra tàu biển được nhập lên,
truyền thẳng về Phòng Tàu biển mà không cần gửi hồ sơ giấy như trước,
giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (Trong ảnh: Đăng kiểm viên kiểm tra tàu biển tại hiện trường

Ông Thành kể, thời điểm đó, để xin cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển, sau khi gửi thông báo mời đơn vị đăng kiểm trên địa bàn xuống tàu kiểm tra, nếu mọi công đoạn đều đạt thì khoảng 2 ngày sau, đơn vị mới nhận được thông báo lên chi cục đăng kiểm nhận giấy chứng nhận đăng kiểm tạm thời. 

“Bản chính thức phải chờ từ 2 - 5 tháng sau, khi có thông báo của Phòng Tàu biển - Cục Đăng kiểm Việt Nam, doanh nghiệp mới nhận được và lại mất thêm một lần di chuyển lên Cục Đăng kiểm ở Hà Nội để lấy”, ông Thành nói. 

Tình trạng này đã chấm dứt từ đầu năm 2023 khi Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển theo phương thức điện tử.

“Hoàn tất mọi công đoạn kiểm tra, chỉ khoảng 1 ngày sau, công ty lập tức nhận được mail thông báo đường link truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm để tra cứu và tải giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử về. 

File tải về dạng PDF, có chữ ký số và dấu đỏ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chúng tôi chuyển file này cho các thuyền viên trên tàu để sử dụng làm thủ tục ra/vào cảng hoặc xuất trình khi chính quyền cảng kiểm tra đột xuất, không cần phải chờ đợi hay lên Cục Đăng kiểm VN nhận giấy chứng nhận như trước”, ông Thành phấn khởi nói. 

Tương tự, đầu tháng 7/2023 vừa qua, thuyền trưởng Phạm Văn Đại (Công ty TNHH Vận tải Hải Phương) cùng các thuyền viên đưa con tàu viễn dương chở hàng hóa cập cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh), vừa đúng dịp đăng kiểm tàu định kỳ. 

Ngay khi đăng ký kiểm định, Chi cục Đăng kiểm số 15 - Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cho đăng kiểm viên xuống tàu kiểm tra, đánh giá, đồng thời thu lại giấy chứng nhận đăng kiểm cũ. Đồng thời cho biết sẽ cấp lại giấy đăng kiểm bản điện tử để thuận lợi cho chủ tàu cũng như các thuyền viên trong quá trình ra/vào cảng đón/trả hàng hóa.

Chỉ 2 ngày sau, anh Đại bất ngờ nhận được mail của công ty đính kèm giấy chứng nhận đăng kiểm tàu bản điện tử, vừa kịp sử dụng để rời cảng cho chuyến đi tiếp theo. 

“Trước khi vào cảng ở bất kỳ khu vực nào của quốc tế, chúng tôi phải liên hệ trước với chính quyền cảng hoặc cảng vụ để xin phép nhập cảng, tùy từng cảng sẽ yêu cầu riêng về các giấy tờ cần thiết, bao gồm giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển. 

Trước đây, tôi phải chụp lại giấy chứng nhận bản giấy, chuyển file ảnh sang file PDF thì giờ không mất thời gian thực hiện thao tác này nữa. Khi nhận yêu cầu phải xuất trình bản giấy, chỉ cần scan từ bản điện tử ra lưu vào hồ sơ tàu”, anh Đại cho hay 

Ông Trần Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Đăng kiểm số 15 - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị này đã kiểm tra và bắt đầu cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển cho các doanh nghiệp từ tháng 3/2023.

Theo quy trình, sau khi đăng kiểm viên kiểm tra tàu tại hiện trường, mọi kết quả, đánh giá sẽ được nhập lên phần mềm cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, truyền về Phòng Tàu biển để thực hiện rà soát hồ sơ, kết quả kiểm định mà không cần gửi hồ sơ bản giấy như trước kia. Nhờ đó, việc thẩm định kết quả đăng kiểm nhanh hơn, nhiều tàu được cấp giấy chứng nhận điện tử ngay trong ngày hoàn tất việc kiểm định. 

Đẩy mạnh số hóa dữ liệu

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ năm 2020, phòng đã lên ý tưởng triển khai cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển điện tử, đến năm 2022 đã đưa vào thử nghiệm và chính thức triển khai vào đầu năm 2023. Đến nay, đã có 1.200 tàu biển được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử. Theo ông Bằng, việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo tính công khai, minh bạch do doanh nghiệp không phải tiếp xúc nhiều với cán bộ thực hiện. Đồng thời tránh việc làm giả giấy chứng nhận kiểm định, bởi trên mỗi giấy chứng nhận điện tử đều có mã QR code. Việc này cũng giúp doanh nghiệp lưu trữ dễ dàng hơn, không sợ mất hay hư hỏng. 

Bên cạnh đó, đến nay, Phòng Tàu biển cũng thực hiện số hóa toàn bộ hơn 2.000 bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ kiểm tra tàu biển, nhờ đó, tiết kiệm diện tích lưu trữ giấy tờ tại phòng làm việc. Việc tra cứu hồ sơ phương tiện cũng nhanh chóng hơn thông qua tìm kiếm bằng từ khoá trên hệ thống cơ sở dữ liệu của phòng, giúp tiết kiệm thời gian. 

Phòng Tàu biển cũng tham mưu lãnh đạo Cục để tới đây xây dựng app tra cứu dữ liệu tàu biển trên điện thoại cho các đăng kiểm viên và doanh nghiệp dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có. 

Khi tải app, đăng ký tài khoản và đăng nhập, đăng kiểm viên, chủ tàu sẽ dễ dàng tra cứu được thời hạn kiểm định, thông số kỹ thuật tàu, chủ tàu, nhà máy đóng tàu cũng như nhận thông báo khi gần đến kỳ kiểm định. Việc đăng kiểm tàu biển trong thời gian tới cũng sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn khi được nâng cấp phần mềm. 

Các đăng kiểm viên tại hiện trường sau mỗi hạng mục kiểm tra, kết quả sẽ cập nhật tức thời lên hệ thống cơ sở dữ liệu truyền về Phòng Tàu biển để cán bộ thẩm định xử lý kịp thời mà không cần phải nhập kết quả thủ công sau quá trình kiểm tra, đánh giá lên hệ thống như hiện nay.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)