Nhiều công ty đường sắt tại Nhật Bản như Keio, JR Kyushu
đã ứng dụng tìm kiếm đồ vật thất lạc. (Nguồn: Keio Corp.)
Từ giữa năm 2023, nhiều công ty đường sắt tại Nhật Bản như Keio, JR Kyushu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao khả năng tìm kiếm tài sản bị thất lạc nhằm giảm gánh nặng cho các nhà khai thác đường sắt.
Với công nghệ mới có ứng dụng AI, để tìm kiếm đồ thất lạc, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để nhập mô tả về đồ vật bị mất, bao gồm các đặc điểm xác định, ảnh, thời gian và địa điểm bị mất… thông qua tài khoản chính thức của dịch vụ tìm kiếm này trên ứng dụng LINE, một mạng xã hội phổ biến tại Nhật Bản.
Cùng với đó, nhân viên tại các phòng chuyên xử lý thông tin về đồ thất lạc cũng sẽ sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh từng đồ vật bị thất lạc và cập nhật vào hệ thống dữ liệu về đồ vật thất lạc mà họ nhận được từ các nguồn khác nhau. Mỗi bài mô tả thông tin này sẽ được cung cấp một mã QR để truy cập.
Trên cơ sở đó, hệ thống AI sẽ được sử dụng để so sánh thông tin giữa dữ liệu do người làm mất mô tả với thông tin từ cơ sở dữ liệu, sau đó đưa ra các kết quả về đồ vật thất lạc có mô tả trùng khớp nhất. Sau một vài thủ tục xác nhận, đồ vật bị thất lạc sẽ được trả lại cho chủ nhân tại các địa điểm được chỉ định như nhà ga, sở cảnh sát.
Theo đại diện của Công ty Đường sắt Keio, doanh nghiệp này xử lý khoảng 16.000 đồ vật bị thất lạc mỗi tháng và kể từ khi hệ thống AI được sử dụng, tỷ lệ trả lại các đồ vật bị thất lạc đã tăng gần gấp 3 lần.
Trong khi đó Công ty Đường sắt JR Kyushu cho biết hệ thống này đã giúp giảm bớt khối lượng công việc của nhân viên nhà ga.
Trước đó, khi tiếp nhận thông tin về đồ vật bị thất lạc, các nhân viên điều hành đường sắt cần mất khá nhiều thời gian để kiểm tra đồ vật, mô tả và gửi đến các phòng xử lý thông tin đồ thất lạc.
Theo số liệu của Sở Cảnh sát Tokyo, trong năm 2019, thành phố đã ghi nhận kỷ lục 4,15 triệu đồ vật bị thất lạc. Con số này giảm xuống còn 2,81 triệu vào năm 2020 một phần vì người dân hạn chế ra ngoài trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, số đồ vật thất lạc đã tăng trở lại lên 3,43 triệu vào năm 2022.
Hệ thống Xử lý Đồ vật Thất lạc bằng Công nghệ AI nói trên được Find Inc, một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ phát triển trong bối cảnh việc quản lý các đồ vật bị thất lạc và trả lời các câu hỏi từ những người yêu cầu tìm kiếm khá phức tạp, đặt ra gánh nặng lớn cho các nhà khai thác đường sắt tại Nhật Bản.
Với những kết quả tích cực trong giai đoạn thử nghiệm từ giữa năm 2023 đến nay, công nghệ này hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng rãi, không chỉ trong ngành đường sắt mà cả trong nhiều lĩnh vực khác ở Nhật Bản, một trong những quốc gia có lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng lớn nhất thế giới./.