Hàn Quốc xây dựng chính phủ nền tảng số, hướng tới mô hình "zero-paper"

Thứ hai, 11/12/2023 08:14 GMT+7

Hàn Quốc không chỉ tập trung cải thiện thủ tục hành chính (TTHC) một cách thuận tiện cho người dân mà còn đặt mục tiêu loại bỏ việc người dân phải nhận các hồ sơ, giấy tờ từ một cơ quan A rồi gửi đến một cơ quan B.

Chính phủ nền tảng số của Hàn Quốc đặt người dân và DN vào trung tâm

Tại Diễn đàn hợp tác ICT Việt Nam-Hàn Quốc năm 2023, chia sẻ về chiến lược quốc gia xây dựng chính phủ nền tảng số của Hàn Quốc, ông Baek Seung Ill đến từ Ủy ban Chính phủ điện tử (CPĐT) của Hàn Quốc, cho biết trong thời đại Internet và dữ liệu số, Hàn Quốc luôn nỗ lực tích cực với mục tiêu trở thành cường quốc CNTT và chính phủ số hàng đầu. Chính phủ nền tảng kỹ thuật số của Hàn Quốc đặt người dân và DN vào trung tâm, được thực hiện theo 3 tầm nhìn.

Thứ nhất là tạo nền tảng dịch vụ hướng đến người dân, trong đó đảm bảo người dân không phải đến trực tiếp các cơ quan hành chính; không yêu cầu xuất trình tài liệu, giấy tờ; không phải xếp hàng chờ đợi và không gặp khó khăn khi hưởng các quyền lợi phúc lợi xã hội.

Tầm nhìn thứ hai trong xây dựng chính phủ nền tảng số là tạo ra một chính phủ thống nhất, loại bỏ các cơ quan, tổ chức cồng kềnh, xây dựng chính phủ một cửa, kết nối liền mạch giữa hành pháp và tư pháp; kết nối dữ liệu giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Tầm nhìn thứ ba là tạo ra cơ hội cho khối tư nhân phát triển, trong đó sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới, cơ hội kinh doanh mới; tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển và đưa các DN trong nước tiến lên trên thị trường toàn cầu.

img_20231106_113511-1-.jpg

Các DN Hàn Quốc trong lĩnh vực AI và thực tế ảo (VR) trưng bày

và demo công nghệ tại Diễn đàn

Kết quả là người dân sẽ có một cuộc sống thuận tiện hơn và thực hiện quyền làm chủ của họ một cách thực sự. Chính phủ trở thành một chính phủ linh hoạt, nhanh chóng và các DN sẽ tạo ra những hoạt động kinh doanh đổi mới thông qua sự phát triển của ngành công nghiệp govtech (những công nghệ ứng dụng trong cơ quan chính phủ) và dẫn đầu trong thị trường số toàn cầu. Quyền sở hữu dữ liệu cá nhân sẽ được tôn trọng và cải thiện hơn, mức độ tin tưởng của Chính phủ cũng sẽ tăng lên.

Mục tiêu của chính phủ nền tảng số Hàn Quốc là tạo ra mô hình “zero-paper”

Ông Baek Seung Ill cho biết ở Hàn Quốc, có hơn 4.000 chính sách dành cho thanh niên nhưng nhiều thanh niên không hề biết hoặc họ quá bận và họ cảm thấy khó khăn khi tiếp cận thông tin vào những chính sách này. Do sự phức tạp của các quy trình giải quyết vấn đề, Ủy ban CPĐT của Hàn Quốc đã hợp tác với các DN tư nhân để xây dựng một nền tảng chung dành cho thanh niên.

Nền tảng này sử dụng các ứng dụng tư nhân phổ biến mà thanh niên ưa dùng, đồng thời sử dụng AI và dữ liệu lớn để tự động đề xuất các thông tin liên quan đến chính sách cá nhân hóa có thể sử dụng. Các dịch vụ tương tự như này cũng sẽ được cung cấp cho các DN, doanh nhân.

Đối với mục tiêu giảm thiểu giấy tờ, hồ sơ, ông Baek Seung Ill cho biết số lượng giấy tờ mà người dân phải nộp hàng năm lên tới khoảng 700 triệu bộ và Ủy ban CPĐT Hàn Quốc không chỉ tập trung cải thiện việc cung cấp giấy tờ một cách thuận tiện cho người dân mà còn đặt ra mục tiêu loại bỏ việc người dân phải nhận các hồ sơ, giấy tờ từ một cơ quan A rồi gửi chúng đến một cơ quan B. Mục tiêu là tạo ra mô hình zero-paper.

Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc giảm thải lượng khí nhà kính.

Liên quan đến việc đơn giản hóa quá trình cấp phép, ông Baek Seung Ill cho biết hiện nay, việc xin phép để thành lập một nhà máy đòi hỏi nhiều quy trình và tài liệu. Trong tương lai, Hàn Quốc sẽ tiến tới không chỉ cung cấp các thông tin về quy định, chính sách liên quan đến khu vực dự án, mà sẽ tổ chức thực hiện các liên kết hệ thống cơ quan Chính phủ phụ trách về cấp phép để giảm thiểu các quy trình phức tạp khi người dân phải đến nhiều cơ quan để nộp hồ sơ.

Hàn Quốc là một đất nước ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới nổi, trong cả khu vực tư nhân lẫn khu vực công. Tại Diễn đàn, ông Baek Seung Ill đã chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ AI tại chính quyền địa phương. Theo đó, khi một người có câu hỏi về tiêu chuẩn miễn thuế, chuyển nhượng quyền sở tài sản chẳng hạn, trợ lý AI sẽ tương tác với các mô hình ngôn ngữ siêu lớn của khối tư nhân để nhận diện chính xác câu hỏi và nhanh chóng tìm thông tin.

Ngoài ra, dựa trên lịch sử giao dịch trước đó và dữ liệu có sẵn, hệ thống cũng có thể tự động tạo ra câu trả lời và cung cấp cho nhân viên tư vấn. Điều này giúp nhân viên tư vấn phản hồi nhanh chóng và cung cấp thông tin đúng cho công dân.

Ví dụ này chỉ là một trong hơn 100 ví dụ tương tự đã được thử nghiệm tại Hàn Quốc, cho thấy tiềm năng của việc sử dụng AI để tối ưu hóa các dịch vụ chính phủ, giúp làm việc hiệu quả hơn”, ông Baek Seung Ill nói và cho biết chính phủ nền tảng điện tử là một thách thức đầy triển vọng trong việc tạo ra các tiêu chí toàn cầu dựa vào AI

và dữ liệu, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và tư nhân tại Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc đang nỗ lực trở thành một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới, tạo ra một chính phủ hoạt động thông minh.

Thông qua AI, chúng tôi hy vọng rằng chính phủ nền tảng số sẽ tạo ra một tương lai mà cả công dân và DN đều có thể đạt được những bước tiến nhảy vọt”, ông Baek Seung Ill nói.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế để đạt mục tiêu tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách số trong cơ quan chính phủ

Ông Jeong Sung, Phó Giám đốc Cơ quan xúc tiến Công nghiệp, Công nghệ Thông tin - Truyền thông Hàn Quốc, cho rằng thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19 không lâu, nay lại đang phải đối mặt với những thách thức mới, căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì vậy, sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến cùng với các chính sách thúc đẩy phù hợp chính là cơ hội chưa từng có để đưa các quốc gia phát triển lên tầm cao mới.

Theo ông Jeong Sung, khủng hoảng và cơ hội luôn cùng tồn tại trong một thời điểm và một quốc gia không thể đơn phương giải quyết, mà cần những nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế để đạt các mục tiêu tăng trưởng.

vn-hq.jpg

Diễn đàn được kỳ vọng sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước

trong lĩnh vực công nghệ số

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số và Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ với Hàn Quốc trong lĩnh vực quan trọng này.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Choi Young-Sang, cho biết mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã nâng cấp, mở rộng sang nhiều lĩnh vực. Tăng cường hợp tác về CĐS giữa hai nước đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo Đại sứ Hàn Quốc, khi hai nước mở rộng hợp tác trong các công nghệ số như AI, vũ trụ ảo, sự giao lưu giữa các DN sẽ sôi nổi hơn, hoạt động đổi mới công nghệ và thương mại hóa sẽ thuận lợi hơn. Trong khi đó, việc mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cũng sẽ giúp hai bên giải quyết khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực ICT.

Ngoài ra, việc hai nước cùng hợp tác, tạo ra những chuẩn mực và nguyên tắc mới phù hợp với thời đại số sẽ giúp bảo vệ giá trị dữ liệu, thu hẹp khoảng cách số trong cơ quan chính phủ./.

Nguồn: Tạp chí Thông tin và Truyền thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)