Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và triển khai hệ thống quản lý vận tải đường bộ tại Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức đầu tháng 10/2024, ông Phùng Văn Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực vận tải đường bộ (tại địa chỉ https://qlvt.mt.gov.vn) là hệ thống CNTT cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, triển khai thống nhất trên toàn quốc. Hệ thống do Trung tâm CNTT - Bộ GTVT đề xuất mô hình, quản lý, vận hành, triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/1/2017.
Ông Phùng Văn Trọng: Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực vận tải đường bộ là hệ thống CNTT
cung cấp DVCTT đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực vận tải đường bộ được thiết kế, xây dựng theo mô hình triển khai từ Trung ương đến địa phương có phạm vi sử dụng trên toàn quốc. Hệ thống quản lý thông tin gồm 4 nhóm dữ liệu chính là: Giấy phép kinh doanh vận tải; Phù hiệu, biển hiệu ô tô; Tuyến vận tải hành khách cố định và Hợp đồng, giấy vận tải, lệnh vận chuyển.
Đến nay, hệ thống được kết nối liên thông với các CSDL dùng chung của Bộ GTVT và CSDL quốc gia, được sử dụng làm nền tảng của Chính phủ số.
Ngoài ra, hệ thống có thiết kế mở để có thể sẵn sàng kết nối liên thông với các HTTT, CSDL của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải.
“Để triển khai thành công hệ thống, việc số hoá dữ liệu là khâu rất quan trọng, bên cạnh việc gấp rút triển khai nhiều hạng mục với khối lượng công việc lớn, Trung tâm CNTT đã cập nhật và số hoá được trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc, cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định tại 63 tỉnh thành”, ông Phùng Văn Trọng nhấn mạnh.
Giao diện chính của hệ thống.
Nói về sự nổi trội, tính năng sáng tạo và đột phá so với trước khi chưa áp dụng CĐS của hệ thống, ông Phùng Văn Trọng cho biết, thay vì đến cơ quan công quyền để nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện, người dân, DN, các đơn vị kinh doanh vận tải có thể thực hiện DVCTT toàn trình tại bất cứ đâu khi có máy tính kết nối Internet.
Ngoài ra, hệ thống cũng hỗ trợ DN dữ liệu về thủ tục hành chính để tái sử dụng trong lần sau. Đồng thời, cho phép DN hình thành các dữ liệu của đơn vị như: thông tin xe kinh doanh vận tải, dữ liệu tuyến đơn vị khai thác, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính… Các dữ liệu này giúp DN quản lý hoạt động vận tải thuận lợi hơn.
Đối với đơn vị quản lý, việc tiếp nhận hồ sơ hoàn toàn trực tuyến và việc xử lý thủ tục hành chính, thẩm định cấp phép hoàn toàn điện tử đồng thời việc kết nối các CSDL, như CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL giám sát hành trình, CSDL camera, CSDL đăng kiểm phương tiện... giúp cơ quan quản lý giải quyết thủ tục nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, việc hình thành các dữ liệu tập trung trong quản lý vận tải đường bộ, bao gồm các dữ liệu: DN kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải, tuyến vận tải hành khách cố định, hợp đồng vận tải, người điều hành vận tải, dữ liệu giấy phép vận tải… giúp cơ quan quản lý có số liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành lĩnh vực vận tải đường bộ kịp thời, thuận tiện, hiệu lực, hiệu quả./.
P.V