Cảnh sát giao thông Công an huyện Bắc Hà triển khai nhiều
giải pháp tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông tới Nhân dân.
Ông Vũ Văn Dích, Tổ trưởng Tổ dân phố Bắc Hà 2, thị trấn Bắc Hà (Bắc Hà) khẳng định: 3 năm qua, trên địa bàn khu dân cư không có người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị xử lý. Kết quả đó là nhờ tổ dân phố đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về văn hóa giao thông. Cùng với đó, tổ dân phố đưa tiêu chí văn hóa tham gia giao thông vào bình xét gia đình văn hóa hằng năm...
Tổ dân phố Bắc Hà 2 là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa tham gia giao thông trong Nhân dân.
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Bắc Hà đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân quy định đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Trọng tâm là tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ; quy định về đường thủy nội địa; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Nghị định 100/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123/NĐ-CP của Chính phủ…
Trung tá Nguyễn Văn Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Bắc Hà cho biết, cùng với tuyên truyền tới các thôn, tổ dân phố, đơn vị chức năng còn chú trọng triển khai nội dung này trong các trường học với nhiều hình thức, như tổ chức tuyên truyền trực quan, phát tờ rơi, thông qua các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, kết hợp thực hiện chương trình đưa thông tin về cơ sở… Đến nay, các xã, thị trấn của huyện đã tổ chức ký cam kết đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tới 100% hộ dân; tổ chức cho học sinh, phụ huynh ký cam kết với nhà trường và nhà trường ký cam kết với chính quyền địa phương, Công an huyện về đảm bảo an toàn giao thông.
Ở Tổ dân phố số 5, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, người dân đã quen và nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Ông Phí Văn Thọ, công dân Tổ dân phố số 5 cho biết, thời gian qua, tôi đã tích cực tham gia tuyên truyền cho Nhân dân thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường bộ, chủ yếu là bằng hình thức tuyên truyền miệng.
“Qua các cuộc họp tổ dân phố, tất cả hộ dân đều đồng tình về việc tham gia ký cam kết đảm bảo giữ gìn trật tự, an toàn giao thông với cơ quan chức năng” - ông Thọ nói.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Chiến, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Bảo Thắng cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng đã tổ chức 87 buổi tuyên truyền trên địa bàn cho 55.372 lượt người tham gia. Huyện cũng đã xây dựng được 36 mô hình cổng trường an toàn giao thông; duy trì 58 mô hình trên địa bàn về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, để làm tốt hơn công tác xây dựng văn hóa giao thông từ cơ sở, Công an huyện Bảo Thắng đã triển khai mô hình tiết học cùng chiến sĩ cảnh sát giao thông tới các trường THPT trên địa bàn, tập trung vào các khối lớp 10, 11, 12; bình quân mỗi tuần tổ chức 2 tiết học cho 4 lớp của các trường THPT.
Hiệu quả được thể hiện rõ hơn trong việc nâng cao ý thức và xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông của người dân huyện Bảo Thắng. Đó là 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương năm 2024 đều giảm rõ rệt, nhất là số vụ tai nạn năm 2024 đã giảm 35 vụ so với năm 2023.
Năm 2024, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phát động “Năm an toàn giao thông” với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, hướng tới 3 mục tiêu: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, phòng tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường trọng điểm.
Để đạt được mục tiêu, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đề nghị các ngành, các địa phương và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa vào chương trình, kế hoạch công tác năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh và thường xuyên đổi mới tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội… Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tham gia xây dựng văn hóa giao thông và chấp hành nghiêm các quy định của luật khi tham gia giao thông.
Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi,
tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tới học sinh và Nhân dân
Ông Trần Xuân Quý, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông từ cộng đồng đặc biệt quan trọng. Xác định mục tiêu đó, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về trật tự, an toàn giao thông được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm. Các sở, ngành, địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản triển khai nhanh chóng, kịp thời. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông được thực hiện mạnh mẽ, rộng khắp với hàng chục nghìn lượt người được tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đặc biệt, lực lượng công an các cấp đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chợ…
Tất cả đều hướng tới cộng đồng văn minh hơn, có văn hóa hơn, an toàn hơn khi tham gia giao thông và hạn chế những tai nạn, thiệt hại.