Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Văn bản QPPL ngành ĐTNĐ phải thuận cho người dân, doanh nghiệp

Thứ ba, 24/12/2024 18:01 GMT+7

Đây là ý kiến chỉ dạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2025 của Cục Đường thủy nội địa(ĐTNĐ) Việt Nam diễn ra chiều nay, 24/12.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GTVT, Trung tâm Công nghệ thông tin, Ban lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, cán bộ các Phòng, Ban, Cảng vụ ĐTNĐ và các Chi cục ĐTNĐ khu vực…

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT cùng với sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác; trong đó đã ban hành hơn 4.000 Công văn, hơn 1.800 Quyết định, 19 Công điện, 33 Thông báo kết luận.

Với tinh thần cải cách, đổi mới, phân cấp, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, những kết quả mà ngành ĐTNĐ đạt được góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành giao thông vận tải, thúc đẩy xu hướng dịch chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội nghị

Ước tính năm 2024, vận tải hành khách đường thủy nội địa tăng 10,1% về vận chuyển và tăng 11,4% về luân chuyển; về hàng hóa tăng 14,5% về vận chuyển và tăng 10,5% về luân chuyển so với năm 2023. Trong đó sản lượng vận tải tuyến Việt Nam - Campuchia tiếp tục tăng trưởng mạnh, riêng hàng container đạt khoảng 490.000 Teus, tăng 23% so với năm 2023.

Để thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương để bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ trong các dịp lễ, tết năm 2024, tập trung vào những vị trí nguy hiểm trên các tuyến đường thủy nội địa. Tổ chức 04 đoàn tuyên truyền công tác PCTT&TKCN lĩnh vực đường thủy nội địa, 09 đoàn đôn đốc công tác bảo đảm TTATGT và 03 Đoàn kiểm tra liên ngành tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến 15/11/2024, lĩnh vực đường thủy nội địa xảy ra 50 vụ TNGT, làm chết 31 người, 06 người bị thương.

Trong năm 2024, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã triển khai 10 công trình nạo vét đảm bảo giao thông, 04 công trình sửa chữa kè, 04 công trình thanh thải vật chướng ngại và 08 gói sửa chữa, thay thế báo hiệu; bổ sung, thay thế đèn báo hiệu với tổng kinh phí 974 tỷ đồng. Một số công trình đang trong thời gian thi công, làm thủ tục thanh toán khi hoàn thành. Dự kiến năm 2024 giải ngân nguồn sự nghiệp đạt 97%.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã thí điểm giao Cảng vụ trực thuộc Cục thực hiện chức năng quản lý 1.265,7km luồng đường thủy nội địa quốc gia và 10 công trình điều tiết, chống va trôi. Việc thí điểm giao Cảng vụ ĐTNĐ khu vực quản lý luồng đường thủy nội địa đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì ĐTNĐ.

Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của nhiều đợt mưa bão, nhất là siêu bão YAGI gây thiệt hại nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng ĐTNĐ, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã ban hành 19 Công điện để tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị ứng phó với thiên tai, thông báo 49 vị trí trụ neo, 11 vị trí phao neo, các khu vực điều tiết khống chế ĐBGT, thường trực chống va trôi để các phương tiện tránh trú bão, lũ; công bố hạn chế giao thông qua khu vực khoang thông thuyền 52 cầu, cụm cầu; Phối hợp khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu, sự cố phương tiện mắc kẹt cầu Vĩnh Phú sông Lô, sự cố đứt dây neo cầu phao Ninh Cường…. Ngay sau khi bão, lũ kết thúc, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã yêu cầu phòng chuyên môn và các đơn vị khẩn trương chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, xác định tài sản, báo hiệu bị mất, hư hỏng do bão, lũ; tổng hợp thiệt hại, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn cho hoạt động giao thông đường thủy trong thời gian nhanh nhất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động trong năm 2024 của Cục ĐTNĐ vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng ĐTNĐ còn thấp, chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư, còn tồn tại nhiều cảng, bến thuỷ nội địa không phép, hệ thống văn bản QPPL, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành còn chưa đồng bộ, công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm...

Về mục tiêu năm 2025, Cục trưởng Bùi Thiên Thu cho biết: Chỉ tiêu về giải ngân vốn đầu tư công là 100% nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao còn lại của Dự án Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục ĐTNĐ Việt Nam. Chỉ tiêu về sản lượng vận tải - ATGT tăng 12% về sản lượng vận tải hành khách, tăng 11,5% sản lượng vận tải hàng hóa đường thủy nội địa tăng so với năm 2024; tai nạn giao thông đường thủy nội địa giảm 10% cả 3 tiêu chí so với năm 2024. Báo cáo cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện công tác và mục tiêu của năm 2025.

Lãnh đạo Cục cũng đưa ra một số đề xuất và kiến nghị với lãnh đạo Bộ GTVT. Cụ thể: Đẩy mạnh đầu tư công cho kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, trong đó tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nâng tĩnh không cầu đồng bộ trên các tuyến vận tải thủy, đầu tư kênh thứ hai thuộc công trình âu Nghĩa Hưng kết nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. Tiếp tục có ý kiến với HĐND, UBND TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh xem xét miễn 100% phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy nội địa (hiện đã được giảm 50%). Đồng thời, đề nghị có giải pháp thu hút nguồn nhân lực để phục vụ chuyển đổi số trong khối cơ quan quản lý nhà nước...

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục ĐTNĐ Việt Nam thời gian qua, đóng góp tích cực vào kết quả nổi bật của toàn ngành GTVT.

Bộ trưởng nhấn mạnh truyền thống hơn 68 năm vẻ vang của ngành Đường thủy nội địa (1956-2024) cũng như những đóng góp to lớn của ngành ĐTNĐ trong suốt lịch sử kháng chiến chống Mỹ, xây dựng đất nước sau thống nhất và giai đoạn đổi mới, phát triển kinh tế những năm qua.

Về nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh việc rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, sao cho thuận cho doanh nghiệp, lợi cho người dân. Đồng thời, tăng cường kết nối đường thủy với các phương thức vận tải khác theo quy hoạch tổng thể các phương thức vận tải khác và lộ trình đầu tư để phát huy hiệu quả, giảm chi phí logistics vì vận tải thủy giá thấp nhất. Từ đó, đầu tư thúc đẩy phát triển vận tải thủy tại các khu vực có lợi thế như miền Bắc, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Bộ trưởng cũng yêu cầu duy trì hệ thống quản lý minh bạch, hiệu quả, hiện đại. Văn bản xin ý kiến của các cơ quan, chậm nhất phải một tuần có văn bản trả lời. Cơ quan nào, cá nhân nào "khó dễ", sẽ phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu cho biết thời gian tới Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế, tăng cường hơn nữa kết nối ĐTNĐ với các phương thức khác, đảm bảo vận tải đa phương thức thông suốt; nâng cao công tác quản lý cảng, bến, làm việc với địa phương xử lý hiệu quả tình trạng bến không phép, hết phép... 

Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tập trung thực hiện những chỉ đạo của Bộ trưởng để Đường thuỷ nội địa có đóng góp bền vững vào sự phát triển của Ngành GTVT nói chung./.

KC

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)