Quảng Nam có 27 sông lớn nhỏ, trong đó có 12 sông được khai thác vận tải cùng nhiều hồ đập thủy lợi, thủy điện có hoạt động giao thông đường thủy. Hằng ngày có hàng trăm phương tiện vận chuyển khách và hàng hóa qua sông, trong đó có nhiều phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo số liệu điều tra gần đây của Ban chỉ đạo điều tra khảo sát phương tiện đường thủy, ở tỉnh Quảng Nam hiện có 1.256 phương tiện thủy nội địa các loại, 75 bến khách ngang sông, tuy nhiên mới chỉ có 40 bến có giấy phép hoạt động, 655 phương tiện đăng ký và 529 người có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn.
Thượng tá Hoàng Minh Thống, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Vừa qua, Phòng CSGT phối hợp với Ðoạn quản lý đường sông Quảng Nam tiến hành kiểm tra trật tự ATGT đường thủy nội địa trên các tuyến sông Trường Giang, Vu Gia, Thu Bồn, Hội An đã phát hiện hàng loạt các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT đường thủy nội địa. Tại nhiều bến sông không có giấy phép mở nhưng vẫn hoạt động như bến thôn 5B ở xã Tam Tiến (Núi Thành), bến Tân Ðợi ở xã Ðại Sơn và bến Dầu ở xã Ðại Thạnh (Ðại Lộc), bến thôn 5 ở xã Quế Trung (Quế Sơn)...
Một số phương tiện và chủ phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký và chứng chỉ chuyên môn theo quy định như trường hợp thuyền máy của ông Trần Hiệu ở xã Tam Tiến (Núi Thành), thuyền máy công suất 15 CV của ông Bùi Văn Thơ ở xã Ðại Sơn (Ðại Lộc), thuyền máy biển số QNa-0380 của HTX giao thông vận tải Ðại Lộc do ông Phạm Bay điều khiển; thuyền khách biển số QNa-0108 trọng tải 15 người do ông Trần Văn Hà điều khiển; thuyền khách biển số QNa-0256 công suất 20 CV, do ông Lâm Quyên ở xã Duy Vinh, Duy Xuyên điều khiển chở quá sức chở của phương tiện và không có bằng thuyền trưởng hạng ba theo quy định...
Tất cả các trường hợp vi phạm trên, Ban an toàn giao thông tỉnh đã lập biên bản xử lý và gửi công văn trực tiếp đến các địa phương, đơn vị chủ quản để kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở người điều khiển phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ những quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn cho phương tiện theo quy định của pháp luật.
Mặc dù trong thời gian gần đây tại các bến sông nằm trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nào nghiêm trọng, song tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn. Còn nhớ cách đây hơn ba năm, ngày 20-5-2003, tại bến đò Cà-tang thuộc địa bàn xã Quế Trung, huyện Quế Sơn xảy ra vụ tai nạn chìm đò làm chết 18 em học sinh thuộc Trường THCS Quế Trung, mà nguyên nhân chính là do thuyền chở quá tải.
Rồi đến cuối năm 2005 tại sông Mỹ Cang thuộc địa phận xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ), chủ phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn đã chở khoảng 20 người va vào trụ cầu, thuyền bị lật làm 5 người chết, số còn lại may mắn thoát chết nhờ nhân dân địa phương cứu vớt. Và gần đây nhất, ngày 15-7-2007, tại lòng hồ Phú Ninh, 17 người đi trên một chiếc thuyền nan bé nhỏ, khi ra giữa hồ gặp gió to thuyền lật làm chết 6 người.
Ðể lập lại trật tự ATGT đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương nghiêm cấm việc tự phát tổ chức các bến đò, bến khách ngang sông, dùng phương tiện không bảo đảm an toàn, không đăng kiểm, đăng ký để đưa người qua lại trên các sông, hồ và các điểm ngập úng. Các địa phương thuộc các lưu vực sông Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang... cần tăng cường công tác quản lý các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đăng ký đăng kiểm, không đủ các phương tiện cứu sinh, các bến khách không có giấy phép hoạt động.
Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh kịp thời mọi hoạt động vận tải khách ở các bến khách và các tuyến giao thông đường thủy, nhất là các bến khách thường xuyên chở nhiều người qua lại và chở các em học sinh đi học, kiên quyết xử lý các chủ và người điều khiển phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy.
Lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa ở Quảng Nam là việc làm cần thiết và cấp bách. Các cấp, các ngành và địa phương ở Quảng Nam cần tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành của người dân, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
PHAN VĂN - Báo Nhân Dân