Người gửi: Nguyễn Cửu Thắng
Địa chỉ: Văn phòng Sở GTVT Thừa Thiên Huế.
Để thiết thực hưởng ứng Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tôi xin mạo muội đề cập đến biện pháp quản lý đối với phương tiện chở khách và lái xe như sau:
1. Thiết kế, lắp đặt bộ phận kiểm tra tốc độ trên xe khách.
- Bộ phận này là thiết bị điện tử (gần giống như hộp đen trên máy bay), được lắp đặt ở giữa xe, phía trước, trên trần bên phải của lái xe, có một số chức năng chính sau:
+ Là thiết bị ghi nhận toàn bộ quá trình hoạt động của xe, và được lưu trong bộ nhớ của thiết bị;
+ Kèm theo thiết bị là bộ phận cảnh báo (đèn nháy và còi hú) được lắp kèm theo;
+ Toàn bộ thiết bị được niêm phong, kẹp chì và được định kỳ kiểm tra chất lượng;
+ Có hệ thống mã khóa không cho phép mở. Và chỉ được mở bởi chủ doanh nghiệp (có password).
- Hoạt động:
+ Trong quá trình xe hoạt động, thiết bị ghi nhận vận tốc của xe theo từng thời điểm (chẳng hạn 5 phút một lần). Dữ liệu được lưu trong bộ nhớ của thiết bị (có thể là đĩa CD - tạo đĩa chống copy, chống sửa). Việc kiểm tra tốc độ của xe (sau mỗi lượt đi về) của chủ doanh nghiệp cũng rất đơn giản, bằng cách vào password riêng của từng xe và lấy bộ nhớ kiểm tra bằng thiết bị đọc (thiết bị chuyên dùng - được thiết kế kèm theo). Như vậy, chủ phương tiện sẽ nắm được chính xác hoạt động của xe trên đường, trên cơ sở đó có biện pháp chấn chỉnh lái xe kịp thời. Việc kiểm tra của CSGT trên đường cũng đơn giản. Chỉ cần lấy số điện thoại của người nắm password (có số điện thoại dán trên thiết bị) đề nghị cung cấp mã khóa để mở thiết bị và lấy bộ nhớ ra kiểm tra trên thiết bị chuyên dùng sẽ có cơ sở để xử lý, không nhất thiết phải dùng súng bắn tốc độ (nhưng cũng cần phải đưa nội dung này vào trong các chế tài xử lý vi phạm và là thiết bị bắt buộc phải trang bị theo quy định của pháp luật).
+ Bộ phận cảnh báo được lắp trên xe có tác dụng khi vận tốc xe vượt quá tốc độ quy định (80km/h) bộ phận cảnh báo sẽ tự động hoạt động: đèn nháy phát sáng, còi hú vang lên cảnh báo cho lái xe biết, nhưng quan trọng hơn là báo cho hành khách biết để yêu cầu lái xe giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.
+ Toàn bộ thiết bị được niêm phong kẹp chì và định kỳ kiểm tra chất lượng là để đảm bảo chất lượng của thiết bị, chống phá hoại hoặc sửa đổi dữ liệu lưu trong bộ nhớ, đồng thời là cơ sở để cung cấp thông tin chính xác cho chủ doanh nghiệp cũng như cho CSGT (kể cả sau tai nạn).
Sẽ là thiết bị hoàn thiện hơn nếu được thiết kế thêm bộ phận ghi âm.
* ưu điểm: Đây là thiết bị nếu được sản xuất và áp dụng sẽ mang tính khả thi cao: Hiệu quả mang lại từ sự giám sát tốc độ của chủ doanh nghiệp, của hành khách, của CSGT, đặc biệt là không cần súng bắn tốc độ nhưng vẫn có cơ sở xử lý lái xe vi phạm.
2. Thiết kế, lắp đặt bộ phận hạn chế tốc độ trên xe khách.
- Thiết bị này được lắp đặt trên động cơ hoặc ở giữa xe, phía trước, trên trần bên phải của lái xe. Có các chức năng chính sau:
+ Hạn chế lượng nhiên liệu vào động cơ khi xe vượt quá tốc độ quy định (80km/h)
+ Kèm theo thiết bị là bộ phận cảnh báo (đèn nháy và còi hú) được lắp kèm theo;
+ Toàn bộ thiết bị được niêm phong, kẹp chì và được định kỳ kiểm tra chất lượng;
- Hoạt động của thiết bị đơn giản.
* Ưu điểm: Tạo điều kiện cho hành khách có thể quản lý được tốc độ xe; không cho xe vượt quá tốc độ cho phép.
3. Quản lý Giấy phép lái xe bằng mã vạch:
- Yêu cầu: Toàn bộ giấy phép lái xe đều được đổi sang hệ thống mã vạch tương tự hệ thống mã vạch của hàng hóa; Hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ các thông tin về giấy phép lái xe.
- Ưu điểm: xác định chính xác thông tin về giấy phép lái xe (vì ứng với 1 mã vạch chỉ có duy nhất một người có tên, tuổi, địa chỉ, hạng giấy phép lái xe,…).
- Hạn chế: Đòi hỏi phải có hệ thống máy vi tính kèm theo trong quá trình tuần tra kiểm sóat và phải có ngân hàng dữ liệu được cung cấp đầy đủ và luôn được cập nhật trên máy vi tính.