Hỏi về Nghị định số 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”

Ngày cập nhật: 28/00/2013

Hỏi :(Nguyễn Thị Kiều Nguyệt - phuongqldd@yahoo.com)

Hỏi:

Tôi mượn xe của bạn để đi 5 phút, cũng phải sang tên đổi chủ hay sao? Địa chỉ Hà Nội, tôi là một sinh viên bình thường, hàng ngày vẫn đi học bằng một chiếc xe máy cũ mà bố cháu đã để lại từ khi cháu đi học đại học. Có lẽ sẽ không có lý do gì để cháu viết bức thư này cho đến khi tôi đọc được nghị định mới vào ngày hôm nay, đó là phải là chính chủ mới được phép lưu thông xe trên đường phố. Đây là một điều khá bất ngờ không chỉ riêng tôi mà còn với rất nhiều người dân khác nữa, bác Thăng ạ!

Tôi hoàn toàn đồng ý với việc phải làm nghiêm việc sang tên đổi chủ này để các bác có thể quản lý được số xe đang lưu thông trên đường phố, nó sẽ giúp cho các bác thuận lợi hơn trong quá trình điều tra các vụ án, và hơn nữa việc sang tên đổi chủ sẽ làm giảm được thất thu thuế của nhà nước. Nếu xét rộng ra, Việt Nam có 87 triệu dân, khoảng 30 triệu người có phương tiện giao thông là ô tô hoặc xe máy, nhưng trong số đó có bao nhiêu người không phải là chủ sở hữu của chiếc xe mình đang đi. 90% sinh viên chưa tự kiếm được đủ tiền để có thể mua một chiếc xe máy, chỉ là mượn tạm xe của bố mẹ để đi học, nếu sang tên đổi chủ thì sau này trả lại bố mẹ, lại sang tên lần nữa hay sao? Người đi làm cũng có rất nhiều người mua xe cũ để tiết kiệm tiền, có những chiếc xe đã qua 3-4 đời chủ, việc tìm lại chủ cũ là rất khó khăn để có thể sang tên, thậm chí có gặp thì chắc gì họ đã bỏ công đi làm thủ tục sang tên với mình. Ấy là còn chưa kể chủ cũ đã qua đời, bay ra nước ngoài, hoặc đơn giản là chiếc xe đăng ký ở thành phố này, còn chủ đã bay tới thành phố kia sinh sống, lúc ấy phải tìm họ thế nào? Người lái xe thuê như: lái xe taxi dùng xe của công ty hay tự mua xe? Người lái xe tải đâu có tiền tỷ để mua một chiếc xe thùng? Người lái xe buýt tự mua xe và tự lái?... Đó mới chỉ là những trường hợp chung chung, còn thậm chí sẽ có trường hợp cụ thể như: Mẹ tôi bỏ tiền ra mua một chiếc xe và đăng ký ở tỉnh khác để giá đăng ký rẻ hơn nhưng là tên của người khác. Vậy bây giờ chiếc xe đó là sở hữu của ai? tôi muốn mượn xe của bạn để đi 5 phút, cũng phải sang tên đổi chủ hay sao?

Trả lời :

Trả lời: Vụ Pháp chế, Bộ GTVT trả lời như sau:

Quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định không phải là quy định mới.

Nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tiếp tục được quy định tại Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 thay thế Nghị định số 152/2005/NĐ-CP và tại 2 Nghị định hiện hành là Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP.

- Nghị định số 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” của chủ phương tiện chứ không xử phạt hành vi “điều khiển phương tiện mà mình không phải là chủ sở hữu” của người tham gia giao thông vì không có quy định nào của pháp luật cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện thuộc sở hữu của người khác.

Như vậy, bạn có thể điều khiển xe của bố mình hoặc của bạn mình tham gia giao thông và sẽ không bị phạt vì hành vi này.

Khi điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông, bạn cần mang các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể có 04 loại giấy tờ người lái xe phải mang theo, bao gồm: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Chúc bạn tham gia giao thông an toàn.

- Địa chỉ người/ cơ quan trả lời: Vụ Pháp chế - Bộ GTVT

- Địa chỉ email: phapche@mt.gov.vn

- Điện thoại: (04)3.9424.896