GTVT xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam
Trong thời kỳ này, do nhiệm vụ mới của đất nước là khôi phục phát triển kinh tế miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, Chính phủ đã quyết định đổi tên Bộ Giao thông công chính thành Bộ Giao thông và Bưu điện do ông Nguyễn Văn Trân làm Bộ trưởng. Cơ cấu, bộ máy tổ chức của Bộ cũng được nâng lên ngang tầm với nhiệm vụ, chức năng cụ thể được Chính phủ giao. Cơ cấu của Bộ bao gồm: Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Bưu điện, Nha Giao thông; Ngành vận tải Đường thuỷ; Sở Vận tải, Ty Công chính phi trường và Trường Cao đẳng giao thông công chính.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hữu Mai
cắt băng khánh thành cầu Việt Trì (1957)
Nhiệm vụ lớn nhất của Ngành GTVT trong thời kỳ này là khôi phục lại hệ thống giao thông đã bị phá hỏng trong Kháng chiến chống Pháp để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong 10 năm (1954 - 1964) hệ thống đường sắt miền Bắc đã được xây dựng và khôi phục lại với những tuyến đường chính là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn. Những tuyến đường này đã có vai trò quan trọng phục vụ đi lại, khôi phục kinh tế miền Bắc trong nhều năm thời điểm đó và còn phát huy tác dụng đến bây giờ. Một tuyến đường sắt khác được xây dựng là Hà Nội - Thái Nguyên cũng hoàn thành trong giai đoạn này. Về giao thông đường bộ, đường thuỷ cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến quốc lộ phía Bắc và một số cảng sông cũng hình thành, trong đó cảng Hải Phòng có vai trò lớn nhất trong vận chuyển hàng hoá phía Bắc và giao thương với nước ngoài. Nhiều cây cầu mới, con đường mới có tính huyết mạch cũng đã được mở mang xây dựng vừa bằng sức dân, vừa có sự đầu tư của Nhà nước. Ngành GTVT còn tham gia thi công các sân bay như: Nội Bài (trước đây gọi là Đa Phúc), Hoà Lạc (Hà Tây), Vinh (Nghệ An) và sân bay Kép (Bắc Giang). Nhìn chung, thời kỳ này Việt Nam đã hình thành một mạng lưới giao thông tuy không hiện đại nhưng bước đầu phục vụ tốt nhịêm vụ của thời kỳ cách mạng mới.
Hồ Chủ tịch đến thăm công trường khôi phục
đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan và
cầu Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) ngày 25/1/1955
Trong lĩnh vực vận tải, các ngành vận tải đường bộ, đường sông, đường sắt đều có nhiều bước phát triển vượt bậc so với trước năm 1954. Vận tải đường sắt trong 10 năm (1954 - 1964) đã đảm nhận trên 20% khối lượng vận chuyển toàn ngành, thực hiện sản lượng luân chuyển hàng hoá trên 50%. Vận tải đường bộ đã đảm nhiệm từ 30 - 40% khối lượng vận chuyển hàng hoá và hành khách cả nước với đội ngũ các xí nghiệp vận tải hành khách và hàng hoá quốc doanh. Công nghiệp GTVT được hình thành với một số chuyên ngành tuy còn hạn hẹp nhưng đã tự túc sản xuất được một số mặt hàng phục vụ ngành. Trong công nghiệp GTVT thời kỳ này, nổi bật nhất là Nhà máy toa xe lửa Gia Lâm đã đã hình thành được nhiều phân xưởng quan trọng làm tiền đề cho công nghiệp đóng tàu đường sắt sau này như phân xưởng sửa chữa đầu máy, đóng mới toa xe, rèn, đúc v.v.
Ngày 18/12/1965, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng
khánh thành đầu máy Tự Lực mang tên "Nguyễn Văn Trỗi"
Đoàn tàu qua cầu Hàm Rồng trong ngày khánh thành 19/5/1964
Nhân dân các dân tộc Mai Châu (Hòa Bình) làm
đường mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi