Với phương châm chủ động phòng ngừa và nhanh chóng khắc phục, kịp thời bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2009, ngành giao thông vận tải đã chủ động kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão; xây dựng các phương án cụ thể gắn với việc chuẩn bị, dự phòng vật tư, phương tiện, thiết bị, lực lượng theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Toàn ngành đã và đang tập trung cao độ nhằm chủ động trong công tác PCLB, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản, tính mạng của Nhà nước và nhân dân, tích cực triển khai kế hoạch bảo dưỡng, duy tu thường xuyên tất cả các tuyến đường trong tỉnh, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống; chuẩn bị các phương án huy động phương tiện vận tải cho công tác hộ đê, đập, sơ tán dân trong vùng chậm lũ các huyện Sông Lô, Lập Thạch và vùng đê bối các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường.
Phòng Kế hoạch - Quản lý giao thông là bộ phận thường trực Ban chỉ huy PCLB của ngành đã tổ chức thường trực 24/24 giờ từ ngày 15-5 đến hết ngày 31-10-2009 theo kế hoạch. Hệ thống các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh bao gồm nhiều loại hình khác nhau và chịu ảnh hưởng trực tiếp trong các đợt mưa, lũ. Nhiều tuyến đường khu vực phía tây bắc thuộc các huyện Lập Thạch, Tam Đảo chịu ảnh hưởng của lũ quét. Các tuyến đường và công trình giao thông khác chủ yếu nằm dọc theo các tuyến sông, hồ, dòng chảy các thuỷ vực dễ bị ngập úng cục bộ và kéo dài gây khó khăn cho các hoạt động giao thông vận tải. Một số công trình giao thông qua địa hình đồi núi, vực sâu, địa chất phức tạp không ổn định, khi có mưa lớn thường gây sạt lở đất, phá hỏng các công trình giao thông. Ngành giao thông vận tải đã nhanh chóng xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và bảo đảm giao thông, đồng thời tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng Công thương, phòng quản lý đô thị cấp huyện, thành phố tổ chức thường trực 24/24 giờ. Trong và sau mỗi đợt mưa lũ, Ban chỉ huy PCLB các đơn vị trực thuộc tổ chức tại chỗ các phương án, biện pháp khắc phục các sự cố đảm bảo thông xe bước 1; báo cáo về Ban chỉ huy PCLB của Sở tình hình diễn biến các sự cố, mức độ hư hỏng các công trình giao thông như đường, cầu cống, ngầm, tràn, nhà cửa, hệ thống biển báo, cọc tiêu, thời gian khắc phục các sự cố, hư hại và phương án đảm bảo giao thông tại các vị trí bị thiệt hại.
Các phương án phân luồng giao thông được nghiên cứu xây dựng cụ thể. Đối với những đoạn đường hoặc ngầm, tràn bị ngập nước, các cầu xung yếu, nơi dễ sạt lở được chuẩn bị các phương án phân luồng, chuẩn bị các phao tiêu, biển báo và cử người trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, xử lý khi nước rút.
Trên quốc lộ 2 và các tuyến đường tỉnh lộ, đường nội thị các khu vực đô thị nếu ách tắc giao thông, các đơn vị, địa phương được phân công có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 và lực lượng tại chỗ để tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra đối với hệ thống các công trình giao thông đường bộ, ngay từ đầu mùa mưa, Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ đã tăng cường kiểm tra, đánh giá thực trạng các tuyến đường đang quản lý, tập trung lực lượng duy tu, sửa chữa, xử lý “cao su, ổ gà”, bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu, đảm bảo thoát nước chống hư hỏng các công trình. Đối với các bến phà vượt sông, Công ty đã tổ chức kiểm tra toàn bộ tình trạng kỹ thuật của ca nô, phà và các phương tiện phục vụ hành khách để có biện pháp sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo an toàn các chuyến phà vượt sông. Phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương giải toả các phương tiện neo đậu, các lều, quán, vật liệu trong phạm vi hành lang an toàn bến phà; sửa chữa bến phà dự phòng để sử dụng khi mực nước báo động cấp 3 ở bến phà Then. Các bến phà đã trang bị đầy đủ các thiết bị như đèn, còi, phao cứu sinh, mỏ neo, sào tre, dây cáp, xích theo quy định; dự trữ vật tư, nhiên liệu. phân công trực ban, theo dõi mực nước và diễn biến của thời tiết để điều hành giao thông; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định giảm tải hoặc ngững phà khi có báo động từ cấp 1 và gió từ cấp 5 trở lên. Tại bến phà Đức Bác, khi mực nước sông Lô ở Việt Trì vượt mức báo động 3 trên 0,3m phải dừng các chuyến phà. Các phương tiện vận tải từ Phú Thọ đi Lập Thạch sẽ qua phà Then theo tỉnh lộ 307B và tỉnh lộ 307. Các phà, ca nô tại các bến Đứa Bác, bến Then sẵn sàng cho công tác ứng cứu, sơ tán dân trong vùng chậm lũ huyện Sông Lô và Lập Thạch. Các phà tại bến Vĩnh Thịnh sẵn sàng đi ứng cứu, sơ tán dân vùng đê bối các huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc khi có tình huống xảy ra.
Cùng với duy tu, sửa chữa đường bộ, đảm bảo an toàn các chuyến phà vượt sông, ngành GTVT đã chỉ đạo các đơn vị, các doanh nghiệp trực thuộc tích cực triển khai các phương án PCLB, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đang thi công cầu, đường đẩy nhanh tiến độ, thi công dứt điểm không để mất an toàn giao thông và công trình trong mùa mưa bão. Tăng cường quản lý nhà nước về vận tải, đăng kiểm, giải toả vi phạm hành lang ATGT, bố trí đủ các phương tiện vận tải cho công tác hộ đê; xây dựng và thực hiện tốt các phương án PCLB đối với các xe chạy liên tỉnh để chủ phương tiện chủ động đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện; thực thiện tốt các phương án phòng tránh lũ quét qua ngầm, tràn đối với các xe tuyến nội tỉnh qua tỉnh lộ 307 từ Nhạo Sơn (Lập Thạch) đi Quang Yên (Tuyên Quang) và đường tỉnh 302 đoạn Hồ Sơn đi Cầu Trang.
Để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết và bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, ngành GTVT đã chủ động thành lập các đội xung kích, thường trực 24/ 24 giờ tại các khu vực xung yếu. Khi có các tình huống xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc được toàn quyền tự chủ khi huy động lực lượng, phương tiện cũng như các loại vật tư, thiết bị. Một nét mới trong công tác phòng chống lụt bão của ngành GTVT tải trong năm 2008 và phương án PCLB năm 2009 được Sở bố trí và chỉ đạo tích cực các bộ phận các công ty, các hạt chịu trách nhiệm vận chuyển, hỗ trợ người dân qua lại các đoạn đường ngập úng như các tuyến đường Minh Khai (tỉnh lộ 305), đường Lam Sơn và một số tuyến đường có nguy cơ ngập sâu, Hạn chế tối đa trường hợp người dân tự ý làm mảng, tham gia vận chuyển và thu tiền của nhân dân.
Trên cơ sở phương án tổ chức phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo giao thông đã được xây dựng, ngành GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên cầu đường; tích cực ra quân tuần tra xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa. Với phương châm "4 tại chỗ" và những phương án chỉ đạo cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, ngành GTVT đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu mà thời tiết, bão lũ có thể gây ra, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống trên tất cả các tuyến đường, an toàn các công trình giao thông.
Báo Vĩnh Phúc