Trước khả năng bão số 3 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta, chiều 23/8, Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn chỉ đạo việc đối phó với cơn bão này.
Không để người ở lại trên tàu thuyền tại nơi neo đậu
Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tiếp tục nắm chắc số lượng tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh, trú bão an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm (đặc biệt là 10 tàu của tỉnh Quảng Ngãi còn mất liên lạc); tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh trú bão, không để người ở lại trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.
Triển khai chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện
Các địa phương căn cứ tình hình cụ thể và diễn biến của bão, quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi; chỉ đạo triển khai việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện việc di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng ven biển, cửa sông; vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lẽ quét, sạt lở đất); tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi.
Bên cạnh đó, các địa phương hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ, ngập lụt dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với tình huống có mưa, lũ, bị chia cắt; cử người canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu; có biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, người và tài sản trên các công trình xây dựng.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nắm chắc số lượng tàu vận tải đang hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển tìm nơi tránh, trú bão an toàn, đặc biệt thông báo kịp thời để các tàu vận tải không đi vào vùng biển nguy hiểm. Có phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, đặc biệt khu vực có nguy cơ sạt lở, chia cắt.
Sẵn sàng thực hiện việc di dời sơ tán dân khi có yêu cầu
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các trung tâm cứu nạn và các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương nằm trong khu vực bão sẽ đổ bộ vào chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh ven biển nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão phối hợp với lực lượng của địa phương chuẩn bị phương tiện sẵn sàng giúp đỡ thực hiện việc di dời sơ tán dân khi có yêu cầu; cùng địa phương triển khai các biện pháp cần thiết phòng, chống khi bão đổ bộ vào bờ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình chống ngập úng, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, chống ngập úng trong mùa mưa bão, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chinhphu.vn