Tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Một lần nữa, vấn đề tìm giải pháp bền vững nhằm giảm thiểu TNGT lại được đặt ra bức xúc...
Nguyên nhân cũ
Tính từ ngày 16/12/2013 đến 15/2/2014, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 83 vụ TNGT khiến 57 người chết và bị thương 83 người. So với cùng kỳ năm trước, TNGT tăng 10 vụ (13,7%), tăng 23 người chết (67,6%) và tăng 13 người bị thương (18,6%). Trong đó, TNGT đường bộ là 81 vụ, làm chết 53 người và bị thương 83 người; còn lại là tai nạn đường sắt và đường thủy nội địa.
Cần tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải khách. Ảnh: C.TÚ
Tổng kết năm 2013, TNGT trên địa bàn giảm sâu ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhưng trong 2 tháng đầu năm 2014, TNGT lại tăng cao mà hầu hết vì nguyên nhân cũ. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê cho biết, TNGT phần lớn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, thiếu ý thức chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT. Theo phân tích, số vụ xảy ra do người dân vi phạm phần đường, làn đường chiếm 33,3%; chuyển hướng không quan sát chiếm 8,64%; không nhường đường chiếm 6,17%. Đối tượng vi phạm tập trung vào lứa tuổi thanh, thiếu niên (độ tuổi từ 18 - 27 tuổi gây tai nạn chiếm 45,68%); phương tiện gây tai nạn chủ yếu là mô tô, xe máy chiếm 75,3%. Cũng theo ông Trương Khuê, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao, cộng thêm việc đang thi công mở rộng Quốc lộ 1 làm bề mặt bị thu hẹp, không có lề dễ dẫn đến va chạm giao thông.
Bên cạnh đó, công tác tăng cường tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm của lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế. Mặc dù ngành liên quan đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường thực thi nhiệm vụ nhưng vẫn không đủ quân số để TTKS khép kín địa bàn, nhất là trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, liên xã, liên thôn. Do đó, TNGT xảy ra nhiều tại địa bàn nông thôn vào dịp Tết (chiếm tỷ lệ 11,11%) chủ yếu do sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm từ phía địa phương.
Tìm giải pháp bền vững
Thời gian qua, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm TTATGT đã được các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, UBND tỉnh. “Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, cả 3 tiêu chí đều tăng so với cùng kỳ năm 2013. Riêng trong tháng 2, TNGT tăng rất cao khi số người chết tăng đến 61,9%, số người bị thương tăng 50%. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai rộng khắp nhưng ý thức của người tham gia giao thông về TTATGT lại chưa biến chuyển mạnh mẽ” - ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT nói.
Để tìm ra giải pháp giảm thiểu TNGT, Ban An toàn giao thông tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo mỗi đơn vị thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể; trong đó tập trung “siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Theo ông Trương Văn Cận, Sở GTVT có trách nhiệm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô từ việc kiểm tra, giám sát việc duy trì tình trạng kỹ thuật của thiết bị giám sát hành trình; kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp vận tải, lái xe vi phạm. Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra phương tiện vận tải khách và người lái xe trước khi xuất bến; tuần tra, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép. Ngành cần chú trọng việc thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp giám sát hoạt động thủy nội địa, bến khách ngang sông.
Công an tỉnh cũng đang quyết liệt chỉ đạo các lực lượng, công an các địa phương phối hợp với công an xã, chính quyền cơ sở TTKS khép kín trên địa bàn; tập trung tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm... Đưa ra kiểm điểm, giáo dục trước dân đối với các đối tượng cá biệt thường vi phạm, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT cho người dân. Sở GD-ĐT tiếp tục quán triệt cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nghiêm túc chấp hành pháp luật về TTATGT, thực hiện “văn hóa giao thông”, cùng với phụ huynh giáo dục, xử lý cụ thể đối với học sinh, sinh viên khi cơ quan chức năng thông báo danh sách vi phạm. “Nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, chúng tôi đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể trên cơ sở chương trình phối hợp đã ký kết với Ban ATGT tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT hướng tới bền vững” - ông Trương Văn Cận cho biết.
Trước, trong và sau Tết, lực lượng công an toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 7.258 trường hợp vi phạm TTATGT (1.613 ô tô khách, 3.166 ô tô tải, 185 ô tô con, 2.229 mô tô…); xử phạt 7.443 trường hợp, với số tiền 4,665 tỷ đồng; tước 307 giấy phép lái xe có thời hạn; tạm giữ 813 phương tiện vi phạm để xử lý. Thanh tra Sở GTVT phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 41 trường hợp với tổng số tiền gần 38 triệu đồng. Tuy nhiên, con số thống kê chưa phản ánh đúng thực chất tình trạng vi phạm TTATGT hiện nay.
Nguồn: Báo Quảng Nam