Thành phố Nam Định xây dựng mô hình "Đoạn sông Đào văn hóa - an toàn"

Thứ năm, 08/08/2013 00:00 GMT+7
Thành phố Nam Định là nơi tiếp giáp nhiều đầu mối giao thông các loại hình trong và ngoài tỉnh; trong đó hệ thống giao thông đường thủy có tuyến sông Đào chảy qua địa phận 12 xã, phường với tổng chiều dài 9,5km, nối sông Hồng và sông Đáy.
Thành phố Nam Định là nơi tiếp giáp nhiều đầu mối giao thông các loại hình trong và ngoài tỉnh; trong đó hệ thống giao thông đường thủy có tuyến sông Đào chảy qua địa phận 12 xã, phường với tổng chiều dài 9,5km, nối sông Hồng và sông Đáy.

Trên toàn tuyến có 26 cảng, bến thủy nội địa, 1 bến đò, 1 cầu và 6 công trình điện cao thế vượt sông. Đây là tuyến sông quốc gia, mặt cắt rộng, luồng sâu, thuận lợi cho tàu, thuyền thường xuyên hoạt động, vận chuyển hàng hóa qua lại. Trong những năm gần đây, nhờ sự tăng cường quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng cũng như sự vào cuộc của chính quyền các phường, xã ven sông đoạn sông Đào qua địa bàn thành phố được bảo đảm ổn định về luồng tuyến, an ninh trật tự, ATGT, không có vụ việc phức tạp, TNGT đường thủy được kiềm chế. Việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường thủy đã được các hộ dân sinh sống ven sông, sản xuất kinh doanh trên sông… nâng cao ý thức chấp hành. Tuy nhiên, tình hình ANTT và ATGT đường thủy trên đoạn sông Đào qua địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Các đối tượng hình sự, ma túy ở các xã, phường ven sông vẫn lợi dụng địa hình sông nước phức tạp để hoạt động phạm tội. Tình trạng phương tiện hoạt động không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, phương tiện chài lưới đánh bắt thuỷ sản đậu, đỗ lấn chiếm luồng tàu chạy, chủ bến thủy hoạt động sai quy định của pháp luật vẫn còn diễn ra. Trước thực trạng này, hưởng ứng cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” ngày 24/5/2013 Ban ATGT thành phố đã tổ chức xây dựng mô hình “Đoạn sông Đào văn hóa - an toàn” với mục tiêu thực hiện đồng bộ các mặt công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Trong đó tập trung xây dựng ý thức, trách nhiệm cùng chung sức thực hiện các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT đường thủy; tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường thủy. Người thực thi công vụ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc, có thái độ vui vẻ, hòa nhã, văn hóa khi ứng xử, giao tiếp với nhân dân; thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy.

Để mô hình được duy trì hoạt động nghiêm túc, có hiệu quả, Ban ATGT thành phố đã xây dựng lộ trình hoạt động cụ thể, bám sát thực trạng, vướng mắc của từng phường, xã trên từng đoạn sông, đồng thời thực hiện khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có những đóng góp thiết thực vào quá trình triển khai, xây dựng, phát triển mô hình. Phòng VH-TT thành phố chủ trì phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và các cơ quan thông tin truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động…, trong đó chú trọng tuyên truyền tại 12 phường, xã ven sông Đào. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, những tiêu chí xây dựng mô hình, các biện pháp phòng ngừa TNGT đường thuỷ, văn hoá ứng xử của người tham gia giao thông đường thủy. UBND các phường, xã, các cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố thông qua các cuộc họp tổ chức tuyên truyền và vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình. Đài Truyền thanh thành phố và các phường, xã chủ động xây dựng tin, bài tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa, văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông phát trên hệ thống loa truyền thanh 3 buổi/tuần. Công an thành phố phối hợp với Phòng CSGT đường thủy (Công an tỉnh), UBND các phường, xã triển khai ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho các hộ dân trên địa bàn là chủ phương tiện vận tải thủy hoạt động trên sông Đào. Sau hai tháng triển khai xây dựng mô hình, hầu hết các đơn vị tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ở các phường, xã đã thể hiện sự chung sức xây dựng mô hình, tích cực thực hiện các quy định pháp luật bảo đảm trật tự ATGT đường thủy xây dựng văn hoá giao thông.

Đồng chí Lê Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã Nam Phong cho biết: Với 11 xóm, 300 hộ dân sinh sống, làm ăn giáp sông Đào và sông Hồng nên ngay khi được Ban ATGT thành phố tuyên truyền, vận động, xã đã tích cực hưởng ứng và quyết tâm xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả tại địa bàn. UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy nội địa đến toàn thể nhân dân trong xã. Thông qua các buổi sinh hoạt chính trị, kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động để mọi người biết cùng tham gia thực hiện mô hình.

Các đoàn thể, chi bộ thôn, xóm đã tổ chức cho các hộ dân và các chủ phương tiện, chủ bến khách ngang sông ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa; đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện vận tải thủy thực hiện neo đậu phương tiện đúng nơi quy định và quan tâm bảo vệ các công trình hạ tầng như đê, kè, cống, cầu qua sông, hệ thống báo hiệu đường thủy dọc hai bên bờ sông Đào. MTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã cùng với Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền và cùng dọn vệ sinh dọc đoạn sông Đào đi qua địa bàn xã, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, đồng thời mở rộng tầm quan sát cho các phương tiện thủy hoạt động.

Theo ông Trần Minh Vọng, tổ trưởng tổ dân phố số 15 phường Cửa Nam: Để góp phần thực hiện thành công mô hình “Đoạn sông Đào văn hóa - an toàn”, nhân dân miền Thuỷ Cơ đã đồng lòng đặt mục tiêu khắc phục những tồn tại trong chấp hành pháp luật trật tự ATGT đường thuỷ của địa phương. Theo đó, các hộ dân đã chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ, phòng, chống các hành vi xâm phạm, trộm cắp tài sản thuộc công trình, hệ thống báo hiệu đường thuỷ; kịp thời thông tin về tình hình an ninh trật tự, ATGT đường thuỷ xảy ra trên địa bàn cho Đảng uỷ, chính quyền địa phương biết và kịp thời xử lý theo quy định. Các hộ dân trong miền còn chủ động nêu cao ý thức phòng tránh tai nạn đuối nước, nhất là việc bảo đảm an toàn cho các cháu nhỏ, học sinh, sinh viên sinh sống trên địa bàn… Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh có bến chuyên dùng nhập xăng, dầu về kho của đơn vị. Hưởng ứng việc xây dựng mô hình, Cty đã thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn đúng thiết kế, tiêu chuẩn quy định của bến nhập xăng dầu, duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và thiết bị xử lý tràn dầu, hệ thống báo hiệu theo đúng Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, bơm chuyển xăng, dầu tại bến cảng, Cty thường xuyên giáo dục cho CBCNV về công tác phòng ngừa, thực hiện các biện pháp an toàn của phương tiện, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ gây mất an toàn của đơn vị.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình, thời gian tới cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thực hiện tốt quản lý Nhà nước về trật tự ATGT đường thuỷ, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử có văn hoá khi xử lý công việc, giải quyết tình huống, vụ việc đột xuất trên địa bàn; từng bước cải cách hành chính, giảm phiền hà khi tiếp xúc làm việc với nhân dân. Công an thành phố thường xuyên kiểm tra xử lý các chủ bến bãi, kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và các phương tiện vận tải thuỷ hoạt động trên tuyến sông Đào. Các phường, xã tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm gây mất ATGT đường thuỷ như neo đậu không đúng nơi quy định gây cản trở luồng chạy tàu; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, các bến bãi kinh doanh vi phạm hành lang bảo vệ luồng chạy tàu.

Nguồn: Báo Nam Định
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)