Bình Định: Tuyên truyền an toàn giao thông bằng hài kịch

Thứ năm, 28/03/2013 00:00 GMT+7
Đêm 25/3 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, chương trình hài kịch tuyên truyền về an toàn giao thông phục vụ không bán vé, lại có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Chí Trung, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Ngọc Huyền, đã lôi cuốn đông đảo khán giả đến thưởng thức.
Đêm 25/3 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, chương trình hài kịch tuyên truyền về an toàn giao thông phục vụ không bán vé, lại có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Chí Trung, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Ngọc Huyền, đã lôi cuốn đông đảo khán giả đến thưởng thức.

Chương trình do Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam tổ chức để thực hiện chủ trương của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông đến với đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Có nhiều hình thức để tuyên truyền về an toàn giao thông, trong đó có việc sử dụng các tiểu phẩm kịch tuyên truyền. Tuy nhiên, phần lớn các tiểu phẩm tuyên truyền an toàn giao thông dễ mắc phải lỗi nội dung khô khan, nặng về hình thức hô hào, cổ động nên khó cuốn hút người xem. Vì vậy, thông tin về chương trình biểu diễn hài kịch với chủ đề “An toàn giao thông” đã gây tò mò cho nhiều người muốn đến xem.

Sau sự xuất hiện của “Táo giao thông” Chí Trung với những thống kê số liệu, chia sẻ tâm tình về tai nạn giao thông và những hậu quả thương tâm, chương trình hài kịch đã mở đầu bằng không gian ở… phòng cấp cứu, với những bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang vật vã trong cơn đau thể xác. Những nạn nhân “chủ động và bị động” của tai nạn giao thông không thể tự chăm sóc mình dù là những việc đơn giản nhất, lại không có người thân bên cạnh nên phải thuê người giúp chuyện gì cũng phải trả tiền. Một ông già đã 67 tuổi lại lấy cô vợ ở độ tuổi đôi mươi, phóng nhanh vượt ẩu bị tai nạn giao thông vào nằm bất động trong phòng cấp cứu. Cô vợ trẻ sau nhiều ngày mới vào thăm để dụ dỗ chồng già “ký bằng mồm” (vì tay đã bị cụt) chuyển nhượng các tài sản rồi bỏ đi theo người tình… Một bệnh nhân mới đưa vào phòng cấp cứu là người bán nước trên vỉa hè bị xe công nông tông gãy cổ, người tài xế gây tai nạn vào thăm mới phát hiện nạn nhân chính là người cha đã bỏ đi mấy chục năm qua… Tiểu phẩm Chuyện buồn ở phòng cấp cứu qua tài năng diễn xuất của các diễn viên nổi tiếng, đã đem đến cho khán giả những tràng cười sảng khoái, nhưng đằng sau tiếng cười là sự thấm thía nỗi đau của tai nạn giao thông, kéo theo những chuyện đáng suy ngẫm về nhân tình thế thái.

Tiểu phẩm hài kịch Quán ven đường có nội dung đơn giản hơn khi nói về cuộc gặp gỡ của hai tài xế đường dài ở quán của một cô chủ xinh đẹp, thách đố nhau cùng uống rượu với những màn tung hứng đối đáp vui và có duyên. Khi được chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt cô chủ quán trong nỗi đau mất người chồng tài xế vì tai nạn giao thông, hai bác tài mới tỉnh ngộ với chuyện thách đố “không say không về” và tự hứa từ nay sẽ không uống rượu khi lái xe. Chương trình hài kịch còn dành thời gian tổ chức trò chơi thiết thực giáo dục nhận biết các tín hiệu đèn giao thông cho các em thiếu nhi đi cùng bố mẹ, ông bà đến xem.

Chương trình hài kịch kết thúc sau nhiều tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ vui sướng đón nhận bó hoa chúc mừng của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Lê Hữu Lộc. Ông Phạm Văn Hà, một người dân ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, nhận xét: “Chương trình hay với những tiểu phẩm sâu sắc của phong cách kịch Bắc đã chuyển tải hiệu quả những nội dung cần tuyên truyền một cách hài kịch, nhắc nhở mọi người cảnh giác trước những bi kịch luôn đến bất ngờ mang tên “tai nạn giao thông”.

Nguồn: Báo Bình Định
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)