Giảm tải ùn tắc giao thông: Đồng bộ thực thi các giải pháp

Thứ năm, 02/08/2012 00:00 GMT+7
Hình ảnh du khách quốc tế ngỡ ngàng và bối rối trước cảnh xe cộ đi lại nườm nượp ở Hà Nội đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, với không ít người nước ngoài, ùn tắc giao thông và sự lưu thông hỗn loạn của các phương tiện đã trở thành "cú sốc" về văn hóa, tác động không nhỏ tới ấn tượng ban đầu về bức tranh đô thị tại Việt Nam.
Hình ảnh du khách quốc tế ngỡ ngàng và bối rối trước cảnh xe cộ đi lại nườm nượp ở Hà Nội đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, với không ít người nước ngoài, ùn tắc giao thông và sự lưu thông hỗn loạn của các phương tiện đã trở thành "cú sốc" về văn hóa, tác động không nhỏ tới ấn tượng ban đầu về bức tranh đô thị tại Việt Nam.

Bức tranh thiếu nét


Sự căng thẳng của du khách mỗi khi sang đường tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Ngọc
Tại khu vực phố cổ Hà Nội, vỉa hè vốn chật hẹp lại bị lấn chiếm làm địa điểm kinh doanh, buộc các du khách nước ngoài phải đi bộ dưới lòng đường. Thậm chí, tại một số điểm, không có vạch kẻ, cầu hay hầm cho người đi bộ sang đường. Hầu hết du khách phải tập trung cao độ để tránh va chạm với các phương tiện lưu thông nên không thể chiêm ngưỡng hết những di tích lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Một điều dễ nhận thấy, tại ngã ba, ngã tư đã kẻ sơn lối đi dành cho người đi bộ cũng chưa chắc đã an toàn, do ý thức chấp hành tín hiệu giao thông của một bộ phận người dân còn kém, khiến không ít khách nước ngoài cảm thấy… sợ. Nhưng, nỗi ám ảnh thực sự với đa số du khách chính là ùn tắc giao thông, vốn thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm, chiều tối các ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết…

Với không ít người nước ngoài, dù đã sống khá lâu tại Hà Nội, nếm trải đủ cảm xúc với nạn tắc đường, "cú sốc" về văn hóa giao thông của người Việt là rất khó chấp nhận, khiến hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến nhưng giàu sức sống như một bức tranh thiếu nét vẽ.

Tuyên truyền kết hợp đầu tư hạ tầng


Không riêng Việt Nam, ùn tắc giao thông, vấn nạn của đô thị hiện đại đã và đang làm đau đầu các nhà quản lý. Tại Anh, quốc gia phát triển bậc nhất thế giới, giao thông hỗn loạn trong những ngày qua đã tạo nên những ấn tượng không đẹp về nước chủ nhà của Olympic London 2012 trong mắt du khách quốc tế.

Tại Thái Lan, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hôm 27/7, Hoàng gia nước này đã phát hành cuốn cẩm nang bỏ túi dày 48 trang, trong đó có đăng tải những hình ảnh sinh động hướng dẫn cảnh sát phân luồng các tuyến đường bị tắc nghẽn, số điện thoại nóng của cơ quan có thẩm quyền để liên hệ trong trường hợp cần thiết… Đặc biệt, nhằm giảm tình trạng ùn tắc cục bộ, cuốn sách đã bổ sung một số điều luật được người dân đánh giá là mang tính bước ngoặt đối với truyền thống của quốc gia này. Theo đó, khi gia đình Hoàng gia xuất hiện, các trung tâm mua sắm không cần phải yêu cầu hàng nghìn khách hàng ra về.

Trước đây, rất nhiều mô tô cảnh sát dẫn đường cho đoàn xe của Hoàng gia, gây ra những phiền toái không nhỏ cho giao thông vốn đông đúc của Bangkok, thậm chí, nhiều người đã bị phạt tù tới 15 năm, vì cản trở đoàn xe của Hoàng gia.

Ngoài ra, việc xây dựng các tuyến đường trên cao đã được Chính phủ Thái Lan quan tâm và triển khai đầu tư đồng bộ cùng với quy hoạch và nâng cao ý thức của người dân… Những biện pháp trên đã giúp giảm sức ép lên hệ thống hạ tầng, đồng thời giảm thiểu tác động của "cú sốc" văn hóa giao thông trong mắt du khách quốc tế tới Thái Lan. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân thành công của ngành du lịch nước này, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế hay bất ổn chính trị và nạn lũ lụt lịch sử hồi năm ngoái.

Giải pháp chiến lược


Tại Việt Nam, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, đòi hỏi phải có sự đồng bộ trong thực thi các giải pháp như: tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; tăng cường lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông tại các điểm chốt thường xảy ra ùn tắc; tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông; phân luồng, phân tuyến giao thông;…

Dù các giải pháp trên mang lại hiệu quả tức thì, nhưng chỉ mang tính tình thế, xử lý triệu chứng bên ngoài của ùn tắc giao thông. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng như đường sắt trên cao; các hầm và cầu đường bộ; hệ thống bãi đỗ xe; quy hoạch hành lang an toàn giao thông;… đã được chính quyền thành phố ưu tiên cả về chính sách lẫn nguồn vốn để triển khai nhanh.

Để thực hiện hiệu quả, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư cải tạo, lắp đặt hệ thống camera tại 200 nút giao thông nhằm giám sát tình trạng ùn tắc, phục vụ công tác xử lý vi phạm bằng hình ảnh do các camera này ghi lại,…

Với những giải pháp mang tính chiến lược được nghiên cứu kỹ từ thực trạng giao thông Hà Nội, từ kinh nghiệm của thủ đô khác trên thế giới, tình trạng ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ được cải thiện, ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên, tạo ấn tượng.

Theo báo VOVGT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)