Nâng cao văn hóa giao thông để giảm ùn tắc

Thứ tư, 15/08/2012 00:00 GMT+7
Chật chội, ngạt thở, bức bối, khó chịu, căng thẳng... là những hình ảnh thường thấy ở những tuyến phố của Hà Nội khi giao thông tắc nghẽn. Và mỗi khi ùn tắc giao thông xảy ra, người ta thường đổ lỗi cho hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện. Tuy nhiên, tắc đường ngoài nguyên nhân hạ tầng yếu kém, còn do sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện.
Chật chội, ngạt thở, bức bối, khó chịu, căng thẳng... là những hình ảnh thường thấy ở những tuyến phố của Hà Nội khi giao thông tắc nghẽn. Và mỗi khi ùn tắc giao thông xảy ra, người ta thường đổ lỗi cho hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện. Tuy nhiên, tắc đường ngoài nguyên nhân hạ tầng yếu kém, còn do sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện.

Theo khảo sát của Phòng CSGT Hà Nội, tình trạng phổ biến hiện nay là người tham gia giao thông cố tình vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Với thói quen đi lại tùy tiện như trên, có 4 nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến phố Hà Nội.

Một là khi thấy xe phía trước đang giảm tốc độ để nhường đường và tránh xe đi chiều ngược lại, lập tức người điều khiển phía sau "tranh thủ" vượt lên, lấn làn, làm hẹp phần đường, vướng vào xe đi ngược chiều nên mắc kẹt, dẫn tới ùn tắc cục bộ; tại các nút giao thông không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, người điều khiển phương tiện thường không chấp hành theo tín hiệu đèn giao thông, không chịu nhường nhau, tất cả đều lao lên phía trước, gây ra các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông không đáng có…

Theo quy định, người điều khiển phương tiện phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông như, tuân theo đèn tín hiệu, hiệu lệnh của CSGT. Thế nhưng, Hà Nội hiện có hàng chục “điểm đen” về ùn tắc giao thông mà nguyên nhân chủ yếu do chính người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Rất nhiều người điều khiển phương tiện thường bất ngờ tạt ngang trước đầu các phương tiện khác, để đi trước, không kể gì đến việc gây nguy hiểm cho mình và cho người khác.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã được nhắc đến rất nhiều nhưng không dễ gì khắc phục chính là do thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Tình trạng ùn tắc giao thông đô thị hiện nay có phần do cơ sở hạ tầng hạn chế, phương tiện giao thông công cộng chậm phát triển, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và dân số đô thị chưa được kiểm soát, nhưng một phần đáng kể là do ý thức thiếu tôn trọng và tuân thủ pháp luật của không ít cá nhân.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các quy định pháp luật về giao thông bắt buộc ai cũng phải học, đi trái luật, sẽ bị xử phạt rất nặng. Còn nước ta, người dân tham gia giao thông nhưng ý thức chấp hành luật giao thông rất kém. Thêm vào đó, khâu xử lý vi phạm giao thông hiện nay chưa nghiêm, mức phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều trường hợp người vi phạm chọn cách "thỏa thuận" với CSGT, một số trường hợp CSGT cũng vi phạm... nên văn hóa giao thông càng khó tuyên truyền.

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và tôn trọng pháp luật. Nghe qua như câu hô khẩu hiệu, nhưng ý kiến của các chuyên gia giao thông của Hà Nội đều đồng tình quan điểm này. Bởi nếu đi đúng làn đường, đúng đèn tín hiệu, việc lưu thông sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là trong điều kiện đường sá chật chội, phương tiện cá nhân quá nhiều như hiện nay. Do đó, văn hóa giao thông phải được xây dựng từ trong mỗi gia đình, nhà trường đến các cơ quan công sở thông qua các biện pháp tuyên tuyền khác nhau. Các lực lượng chuyên ngành, trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bằng cách tăng nặng mức phạt để răn đe. Và đã đến lúc cả xã hội phải "tuyên chiến" với kiểu tham gia giao thông “tùy tiện”

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ thực sự có hiệu quả khi người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm luật và tự giác nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông. Thực tế, đa số các trường hợp vi phạm đều là lứa tuổi thanh thiếu niên, nên để xây dựng được hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, công tác tuyên truyền thời gian tới cần tập trung sâu rộng ngay từ các trường học.

Hướng ứng Năm An toàn giao thông 2012, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông như: Cấm uống rượu bia vào buổi trưa, thông báo về cơ quan cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ… Rõ ràng, để Luật Giao thông đường bộ đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, từng cấp, từng ngành, từng tổ chức đoàn thể cùng có biện pháp, thái độ xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm.

Đăng Kết - Báo mới
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)