Hải Phòng: Văn hóa giao thông với Thanh niên

Thứ ba, 25/09/2012 00:00 GMT+7
Văn hóa giao thông là hành vi ứng xử của người tham gia giao thông. Bên cạnh một bộ phận không nhỏ thanh niên nhận thức đúng vấn đề này, thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông, còn nhiều thanh niên coi thường các luật giao thông đường bộ, đường sắt; chỉ thực hiện đúng các quy định về ATGT khi có sự xuất hiện của cảnh sát giao thông…
Văn hóa giao thông là hành vi ứng xử của người tham gia giao thông. Bên cạnh một bộ phận không nhỏ thanh niên nhận thức đúng vấn đề này, thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông, còn nhiều thanh niên coi thường các luật giao thông đường bộ, đường sắt; chỉ thực hiện đúng các quy định về ATGT khi có sự xuất hiện của cảnh sát giao thông…

Nguyễn Văn Tình, thanh niên tình nguyện phường Trại Cau (quận Lê Chân, Hải Phòng) được phân công trực tại chốt điểm giao thông ngã tư Trần Nguyên Hãn - Nguyễn Đức Cảnh. Công việc hằng ngày của anh Tình là cầm cờ và còi tín hiệu đứng cạnh đèn xanh - đỏ để nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh đèn tín hiệu. Anh Tình tâm sự: “Quan sát tại các ngã ba, ngã tư trên địa bàn thành phố, tôi thấy ít có các bảng chỉ đường. Vì vậy, thanh niên tình nguyện như chúng tôi còn kiêm luôn việc chỉ đường cho người tham gia giao thông. Có buổi trưa nắng chang chang, nhận được lời cảm ơn của khách đi đường khi mình tận tình chỉ cho họ đường ngắn nhất để đi tới nơi cần đến hoặc các phương tiện tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh đèn tín hiệu, trong lòng dâng trào niềm vui.

Có thanh niên nào lại không hiểu rằng chạy xe tốc độ cao là nguy hiểm, đua xe là gây chết người, cản trở giao thông. Thế mà họ vẫn phóng nhanh vượt ẩu, đua xe trái phép, chạy xe vượt đèn đỏ, ngược đường cấm, điều khiển xe khi đã uống rượu, bia, chở quá số người quy định…Lại có những trường hợp gây ra tai nạn giao thông nhưng không xin lỗi, chở người bị nạn tới bệnh viện mà quay lưng bỏ đi, thậm chí quát mắng người bị nạn.

Hiện nay, nhiều người dân, trong đó có không ít người trẻ hiểu biết về luật lệ giao thông nhưng họ “nhờn” luật. Có trường hợp khi bị cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, họ không ngần ngại gọi điện thoại cầu cứu người thân hoặc “dọa” quen lãnh đạo cao hơn. Trong khi đó, các hình thức, chế tài xử phạt chưa đủ tác dụng răn đe, ngăn chặn. Thêm nữa trong gia đình, nhiều ông bố, bà mẹ không là tấm gương tốt để con cháu noi theo, hoặc khi con vi phạm pháp luật giao thông tìm mọi cách chạy chọt lấy xe ra mà quên mất việc giáo dục nhân cách con người.

Bí thư quận Đoàn quận Lê Chân Nguyễn Văn Nhật cho rằng: Nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hoá giao thông trong đời sống xã hội, nhất là đối với thanh niên, Đoàn Thanh niên quận tích cực tuyên truyền, giáo dục đoàn viên thanh niên chấp hành luật giao thông đường bộ, đường thủy. Đặc biệt là tập trung đổi mới nội dung và hình thức tuyên tuyền ATGT, xây dựng các tiêu chí cơ bản về ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Bước chuyển biến rõ nét nhất là các hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức đều thu hút đông thanh, thiếu niên tham gia. Các hoạt động tuyên truyền dưới hình thức hội thi tìm hiểu với nội dung phổ biến Luật Giao thông đường bộ, phê phán những hành vi vi phạm ATGT góp phần định hướng thanh niên có những hành vi đẹp, tôn trọng pháp luật khi tham gia giao thông.

Thiết nghĩ, việc xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ công tác giáo dục, từ mỗi gia đình, nhà trường và tổ chức đoàn thể. Để văn hóa giao thông thực sự thấm vào giới trẻ cũng cần sự đồng thuận của toàn xã hội. Bên cạnh việc nghiêm khắc xử lý vi phạm những người coi thường pháp luật giao thông, cảnh sát giao thông và thanh niên tình nguyện nên tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt đông người qua lại, ở các điểm thường ách tắc, đấu tranh không khoan nhượng với hiện tượng tiêu cực khi xử lý vi phạm.

Theo báo Hải Phòng
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)