Một số đề xuất xây dựng văn hóa giao thông tại Hà Nội

Thứ năm, 05/07/2012 00:00 GMT+7
Để xây dựng "văn hóa giao thông" cần phải chú trọng việc giáo dục tuyên truyền vận động người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật Giao thông.
Để xây dựng "văn hóa giao thông" cần phải chú trọng việc giáo dục tuyên truyền vận động người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật Giao thông.

Chống ùn tắc và giảm trừ tai nạn giao thông về khía cạnh nào đó, giống như một cuộc chiến thực sự. Trong cuộc chiến này, muốn thắng lợi nhất thiết phải xây dựng cho được "văn hóa trong giao thông".

Để xây dựng "văn hóa giao thông" cần phải chú trọng việc giáo dục tuyên truyền vận động người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật Giao thông. Mặt khác, cơ quan quản lý điều hành cũng phải được trang bị chế tài mạnh để thực thi nhiệm vụ. Muốn như vậy theo chúng tôi phải thực hiện 2 nội dung sau.

Tuân thủ Luật Giao thông, với người điều khiển phương tiện là phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về điểu khiển giao thông, tuân theo đèn tín hiệu, hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, đi đúng làn đường.

Thực tế, trong nội thành Hà Nội hiện có hàng chục điểm UTGT do chính người tham gia giao thông gây ra khi vi phạm Luật Giao thông. Rất nhiều người điều khiển phương tiện tạt ngang trước đầu các phương tiện, cốt sao để đi trước, không kể gì đến nguy hiểm cho mình và cho người khác. Hành vi đó chính là không chấp hành Luật Giao thông, không có văn hóa trong giao thông.

Lại có nhiều người khi đi từ trong ngõ hoặc trong nhà ra đường không phát tín hiệu, không tuân theo quy tắc "đường phụ vào đường chính" khi nhập dòng, gây nguy hiểm cho các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường. Thói quen "dừng xe tùy tiện", đi xe trên hè, sử dụng điện thoại di động, khạc nhổ ra đường khi đang điều khiển phương tiện cũng không hiếm thấy. Kể sơ sơ như vậy để thấy tình trạng vi phạm Luật Giao thông không có văn hoá giao thông của người dân Hà Nội còn khá phổ biến.

Trong khi đó, chúng ta thấy Bangkok (Thái Lan) là thành phố có mật độ giao thông lớn hơn Hà Nội rất nhiều, có những đoạn đường ùn xe rất dài, vậy mà họ vẫn giữ làn nào đi vào làn đấy. Có làn xếp hàng dài hơn làn bên kia cả trăm mét, vẫn không có ai lấn làn, bởi giữa hai làn đã có vạch sơn liền, không được phép vượt qua. Nhờ vậy, đường chỉ bị ùn chứ không tắc. Mà cũng không phải sang tận Bangkok, chỉ cần đến Tp. HCM ta cũng thấy nét tương tự.

Văn hóa giao thông với người đi bộ là đi đúng phần đường, sang đường đúng nơi quy định và không đi hàng 3, hàng 4 làm cản trở giao thông; Không mang vác cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và mất mỹ quan đường phố.

Đối với người đi xe buýt, chờ ở điểm dừng đỗ xe buýt và lên xe đúng cửa; Chấp hành nội quy của xe buýt như mua vé, xuất trình vé; Nhường chỗ cho phụ nữ có thai, người già, người tàn tật và trẻ em. Khi xuống xe, cần khẩn trương để đảm bảo thời gian cho xe chạy, nhưng không vội vàng dễ gây tai nạn không đáng có.

Tóm lại, người tham gia giao thông phải biết tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông và phải biết nghĩ tới người khác khi tham gia giao thông. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản phải đối mặt với ách tắc và tai nạn giao thông, người dân Nhật khi ra đường có khẩu hiệu "Mời bạn đi trước" nghĩa là xem nhường đường cũng là nét văn hóa.

Một trong những điều kiện cơ bản để người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là các cơ quan quản lý phải làm tốt trách nhiệm của mình.

Để làm tốt chức trách, ngành giao thông phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo đường sá êm thuận, đầy đủ các biển báo để người tham gia giao thông có điều kiện chấp hành luật và thể hiện văn hóa giao thông. Ngành cần có kế hoạch cải tạo mở rộng và làm mới hệ thống đường, bổ xung các loại hình vận tải theo quy hoạch được duyệt; tổ chức giao thông cho phù hợp với từng thời kỳ nhằm giảm thiểu ách tắc và tai nạn giao thông.

Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để người tham gia giao thông và người dân nói chung hiểu Luật Giao thông, các quy định hệ thống biển báo giao thông. Tức là có kiến thức để thực hành văn hóa giao thông. Các cơ quan thực thi pháp luật trong giao thông như CSGT, Thanh tra GTVT cần được trang bị đầy đủ các thiết bị để phát hiện, điều chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông trong mọi tình huống; Xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại và chiếm dụng các công trình giao thông như đường hè để tạo điều kiện cho người tham gia giao thông chấp hành Luật Giao thông và thực hành văn hóa giao thông. Cần có hệ thống theo dõi công khai để người tham gia giao thông hiểu rằng nếu họ vi phạm thì sẽ bị xử lý trong mọi trường hợp.

Để người tham gia giao thông có điều kiện chấp hành Luật Giao thông, giữ gìn văn minh đô thị, thực hành văn hóa giao thông, đã đến lúc thành phố không nên kéo dài tình trạng để buôn bán, hàng rong trên vỉa hè trước hết là các trục chính, các tuyến đường phố có mật độ giao thông cao. Trong trường hợp thực sự cần thiết, có thể tập trung hàng rong vào khu vực thích hợp để người có nhu cầu có thể ra vào mua bán thuận lợi.

Văn hóa giao thông chỉ có thể được xây dựng một cách bền vững khi mọi người tham gia giao thông, người xây dựng, quản lý và điều hành giao thông cùng toàn xã hội chung tay đóng góp một cách thiết thực.

Theo báo KTĐT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)