Ninh Bình: Lại chuyện đội mũ Bảo hiểm

Thứ năm, 02/06/2011 00:00 GMT+7
Theo nghị quyết 32/CP của chính phủ, từ 15 tháng 12 năm 2007, bắt buộc mọi người ngồi trên môtô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ. Những ngày đầu, qua việc tuyên truyền, vận động cũng như sự tăng cuờng kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông...
Sau 3 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cho đến nay nhiều người còn xem thường, nhất là thanh niên vẫn dễ “quên”!

Cần tạo thói quen cho trẻ em đội MBH khi đi xe máy.


Theo nghị quyết 32/CP của chính phủ, từ 15 tháng 12 năm 2007, bắt buộc mọi người ngồi trên môtô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ. Những ngày đầu, qua việc tuyên truyền, vận động cũng như sự tăng cuờng kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, ý thức đội mũ bảo hiểm của người dân đã được nâng lên rõ rệt thể hiện ở tỉ lệ người chấp hành chủ trương đúng đắn này đã tăng lên đáng kể so với trước thời điểm phát động. Tuy nhiên, gần đây lại thấy hiện tượng nhiều người, nhất là thanh niên, khi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Hiện tượng này càng tăng lên nhất là vào ban đêm.
 
Theo quan sát trên các tuyến đường của thành phố Ninh Bình cứ 10 xe đi qua thì có đến 5 xe người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, thậm chí còn chở 3,4 người nhưng đều không đội mũ bảo hiểm. Đây là một thực trạng đáng báo động phải cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, bởi vào ban đêm, mặc dầu lưu lượng người tham gia giao thông có giảm hơn nhưng điều kiện ánh sáng không thể như ban ngày. Việc hạn chế tầm nhìn cùng với những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác khiến cho tình hình tai nạn giao thông vào ban đêm đang có chiều hướng gia tăng. Hiện tượng người tham gia giao thông không tự giác đội mũ bảo hiểm vào ban đêm xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
 
Trước hết do thói quen của đa số người tham gia giao thông đặc biệt là tâm lý giới trẻ ngại sử dụng mũ bảo hiểm mặc dầu đây là đối tượng chính tham gia giao thông vào ban đêm. Thói quen trên cộng với tâm lý chủ quan dẫn đến phóng nhanh vượt ẩu và tai nạn giao thông rất có thể xảy ra. Một nguyên nhân quan trọng khác, vào ban đêm công tác kiểm tra giao thông có  có thời điểm chưa tập trung cao so với ban ngày. Số lượng các chốt kiểm tra và cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ cũng ít hơn. Việc xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để cộng với thói quen ngại sử dụng mũ bảo hiểm vào ban đêm tạo nên sức ỳ tâm lý cho người dân.
 
Nguyên nhân của tình trạng trên một mặt do thói quen của người dân: ngại sử dụng mũ bảo hiểm khi lưu thông trên những đoạn đường ngắn, tâm lý chủ quan cho rằng khó có thể xảy ra tai nạn trên những tuyến đường này do mật độ người tham gia giao thông ít. Công tác tuyên truyền, đôn đốc ở thôn xóm, tổ dân phố, phường xã còn nặng về hình thức.
Để khắc phục những tình trạng trên, về phía người tham gia giao thông cần điều chỉnh nhận thức của mình trong thực hiện nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm không kể ban ngày hay ban đêm. Mỗi người khi đi xe máy ra đường cần thấy rằng việc đội mũ bảo hiểm là biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ bản thân.
 
Lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, nhất là vào ban đêm, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
 
Các cấp, các ngành chức năng, các cơ quan truyền thông báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, để đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm trở thành nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông.
Hieuht(theo baoninhbinh)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)