Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, gồm 213 tuyến, dài trên 2.500km, cùng hàng ngàn hộ mặt nước, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, An Giang được xác định là một trong những điểm “nóng” về trật tự an toàn giao thông đường thủy khi bước vào mùa mưa bão …
Thượng tá Mai Văn Nói, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy Công an An Giang cho biết, trong những năm gần đây, do tác động của môi trường, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng bồi lắng, lấn chiếm, các chướng ngại vật chưa được giải tỏa một cách triệt để, cùng với hệ thống sông ngòi nhiều đoạn cua cong, bãi cạn… đã khiến tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy ở An Giang diễn ra khá phức tạp. Vào mùa mưa bão, nước dâng trên diện rộng, tạo thành nhiều dòng chảy xiết luôn là mối đe dọa về an toàn giao thông đường thủy và tính mạng của các hộ dân sống gần sông nước. Theo Ủy ban Phòng, chống lụt bão tỉnh, trong cao điểm mùa mưa bão năm 2010, mặc dù An Giang không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, nhưng đã có 14 trường hợp chết nước, trong đó có 4 trường hợp là trẻ em, mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức về các nguy cơ dẫn đến tai nạn, thiếu kỹ năng bơi. Nhiều trường hợp đã đặt sự an toàn tính mạng của mình trong tình trạng vô thức… Điển hình như vụ tai nạn xảy ra ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân: Hai bé gái P.T.C.T và T.T.T.H sau khi đi dự đám cưới cùng gia đình về đã rủ nhau xuống sông tắm mà không có sự giám sát của người thân, nên đã bị chết đuối. Chẳng bao lâu sau, tại khúc sông này, người dân địa phương lại chứng kiến một cái chết thương tâm của một bé gái 3 tuổi khác cũng với nguyên nhân tương tự…
Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong mùa mưa bão, các ngành chức năng, trong đó lực lượng Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn tỉnh các phương án phối hợp rà soát, nắm chắc số lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy ở địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra chất lượng, độ an toàn của các phương tiện, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết khi ra khơi như phao cứu sinh, dụng cụ chống thủng, thiết bị thông tin. Ngoài ra, bên cạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến sông nước trọng điểm để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các loại tàu thuyền hoạt động không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, Công an các địa phương đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền về một số biện pháp đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động liên quan đến giao thông đường thủy, vào nơi trú ẩn an toàn khi có tin gió bão, cũng như hướng dẫn tàu thuyền xử lý các tình huống khi gặp thời tiết xấu... Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy, nguy cơ xảy ra tai nạn trên các tuyến đường thủy ở An Giang trong mùa mưa bão khá cao, do còn nhiều phương tiện tham gia giao thông chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2011, đã có trên 12 ngàn phương tiện, 228 bến phà, bến khách ngang sông vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy, với 37 trường hợp bị tước bằng thuyền trưởng.
Cao điểm mùa mưa bão diễn ra từ ngày 15-7 đến 31-10-2011, nên cùng với việc triển khai các hoạt động ứng phó với thiên tai và công tác hậu cần, các ban ngành địa phương cần tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, bảo vệ sản xuất, các vùng nuôi trồng thủy sản, các cơ sở dịch vụ sản xuất. Tổ chức tốt các điểm giữ trẻ và đưa đón học sinh trong mùa lũ, bảo đảm lương thực, nước uống, thuốc men… trong vùng lũ, đồng thời huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống khi có lũ xảy ra. Đặc biệt, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc trong mùa mưa bão, người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai, thực hiện tốt yêu cầu an toàn hàng hải,… Thượng tá Mai Văn Nói, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy Công an An Giang nói.
Trungna (theo baoangiang)