Malaysia ngăn tai nạn giao thông

Thứ tư, 20/04/2011 00:00 GMT+7
Tai nạn giao thông đang trở thành nỗi ám ảnh thường trực tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Malaysia đã áp dụng nhiều biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng này và đã có những thành công bước đầu.
Tai nạn giao thông đang trở thành nỗi ám ảnh thường trực tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Malaysia đã áp dụng nhiều biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng này và đã có những thành công bước đầu.
Trong 30 năm qua, Malaysia cũng trải qua quá trình đô thị hóa và tăng dân số tương tự các nước trong khu vực, dẫn đến tình trạng số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tăng cao.
Từ giữa thập niên 1990, nhà chức trách đã hạn chế đáng kể sự gia tăng tỉ lệ tử vong nhờ cải tổ mạnh mẽ chất lượng làm việc của cảnh sát, cải tạo đường sá và thực thi các chương trình giáo dục an toàn giao thông. Hiện tại, mỗi năm Malaysia chỉ để xảy ra 3,55 trường hợp tử vong trên tổng số 10.000 phương tiện giao thông, một con số đầy ấn tượng, chỉ kém một chút so với mức 3/10.000 của các nước phát triển.
Kế hoạch đồng bộ
Báo cáo cái nhìn chung về an toàn giao thông Malaysia của Ủy ban Kinh tế xã hội Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) cho biết từ năm 1990, chính quyền Malaysia đã thành lập Ủy ban nội các về an toàn giao thông (CCRS) để xây dựng kế hoạch giảm số lượng người tử vong do tai nạn giao thông. Theo đó, CCRS và Cục Công trình công cộng Malaysia (PWD) quy định kiểm tra độ an toàn giao thông của các dự án xây dựng đường sá mới và cả những con đường cũ.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải Malaysia, trong số 10 chương trình an toàn giao thông đã thực thi, chương trình mở rộng làn xe máy (có và không có dải phân cách) là thành công nhất. Năm 2010, Cục An toàn đường bộ Malaysia cho xây dựng các làn đường riêng cho xe máy có độ rộng 3m song song với các tuyến đường khác, tập trung tại các điểm đen trước và sẽ hoàn thành trong năm 2020. Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu an toàn đường bộ Malaysia cho thấy việc xây dựng tuyến đường riêng cho xe máy giúp giảm 39% số tai nạn chết người.
Chính quyền xác định các điểm nóng tai nạn giao thông dựa trên con số thống kê tai nạn của lực lượng cảnh sát để cải thiện tình hình bằng những biện pháp như xây dựng đường cho người đi bộ, đường cho xe máy, cải thiện mật độ giao thông ở các đường ngang, tăng cường chiếu sáng đường, lắp đặt biển báo hướng dẫn giao thông rõ ràng... Mỗi năm chính quyền chi 165 triệu USD bảo dưỡng các con đường liên tỉnh.
Bộ Giao thông vận tải Malaysia đã thiết lập một hệ thống quản lý tai nạn giao thông trên mạng. Hệ thống này sẽ tiếp nhận những hình ảnh từ vệ tinh, từ các camera quan sát giao thông trên các tuyến đường, tiếp nhận những thông tin và khiếu nại về giao thông qua điện thoại hay online từ người dân để cập nhật dữ liệu và xác định được nguyên nhân xảy ra tai nạn tại các điểm đen, nhằm triển khai các hành động khắc phục hậu quả sớm nhất có thể.
CCRS và PWD cũng mở rộng xây dựng các vạt đường tránh để trong trường hợp khẩn cấp, người lái xe có thể lái vào để tránh dòng giao thông dày đặc. Từ năm 2000, nhà chức trách cũng thực hiện chương trình cải thiện giao thông ở các đường cong nguy hiểm, nơi ghi nhận khoảng 25% số vụ tai nạn. CCRS và PWD tăng số lượng biển cảnh báo và hệ thống chiếu sáng ở các khu vực này.
Câu chuyện chiếc mũ bảo hiểm
Bà Jamilah Mohd Marjan - giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu an toàn giao thông Malaysia - khẳng định vấn đề lớn của giao thông Malaysia là tình trạng không tuân thủ luật đội mũ bảo hiểm: không đội mũ hoặc không cài dây mũ an toàn. Theo bà, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy ở các khu vực đô thị Malaysia hiện đạt 80% nhưng vẫn “chưa đủ tốt”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 1997 Malaysia đã tiến hành chiến dịch quy mô khuyến khích người đi xe máy đội mũ bảo hiểm đúng cách. Các đài truyền hình, giới báo chí đều tham gia tuyên truyền cho chiến dịch, chưa kể những biển quảng cáo to ở các góc phố.
Chính phủ Malaysia phối hợp đồng bộ với WHO, các tổ chức phi chính phủ và các trường đại học để nghiên cứu đề ra tiêu chuẩn an toàn mũ bảo hiểm cho trẻ em và người lớn, đồng thời thực hiện nhiều chương trình giáo dục ý thức người dân đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là chương trình hành động đội mũ bảo hiểm kể từ năm 2000 đến nay.
Chính quyền Malaysia đặt ra các quy định rất khắt khe như luật người đi xe máy đội mũ bảo hiểm và người ngồi hàng ghế sau trên ôtô cũng phải thắt dây an toàn. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Giáo dục kết hợp thực hiện giáo dục kiến thức và kỹ năng an toàn giao thông bắt buộc đối với học sinh từ cấp tiểu học từ năm 2007. Trả lời báo Tuổi Trẻ, biên tập viên Shanon Shah của trang báo mạng The Nut Graph cho biết chính quyền thực thi cực kỳ nghiêm ngặt các quy định như đội mũ bảo hiểm và cài dây an toàn, phạt rất nặng các trường hợp vi phạm. Chương trình giáo dục an toàn giao thông cũng được phổ cập một cách nghiêm túc tại các trường học trên toàn quốc.
Bà Jamilah Mohd Marjan cho rằng nếu thực thi thành công các chương trình khuyến khích người đi xe máy đội mũ bảo hiểm thì có thể giảm số trường hợp người đi xe máy tử vong do tai nạn giao thông xuống còn 1.500 trường hợp/năm. Trong khi đó, ông Law Teik Hua - chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Malaysia về an toàn đường bộ - nhận xét nhiệm vụ giảm thương vong là không dễ dàng, vì không chỉ đơn giản là thực thi nghiêm luật giao thông và dọn dẹp vỉa hè mà “phải mất một thế hệ để thay đổi nhận thức của người dân về an toàn giao thông”.
Cuonghm (Theo tuổi trẻ online)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)