Tìm giải pháp cho giao thông khu vực cổng trường học

Thứ tư, 20/04/2011 00:00 GMT+7
Lâu nay tại các cổng trường tiểu học, trung học thường xuyên có cảnh đông đúc người nhà đưa đón học sinh (đặc biệt là tại các đô thị). Hậu quả của nó thì đã quá rõ ràng: Giao thông lộn xộn, tắc nghẽn, tai nạn...
Lâu nay tại các cổng trường tiểu học, trung học thường xuyên có cảnh đông đúc người nhà đưa đón học sinh (đặc biệt là tại các đô thị). Hậu quả của nó thì đã quá rõ ràng: Giao thông lộn xộn, tắc nghẽn, tai nạn...
Từ thực tiễn quan sát tại các trường học cho thấy, nguyên nhân chính là do công tác tổ chức thực hiện đưa đón các em học sinh chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chưa phù hợp.
Đơn cử, chúng ta kêu rất nhiều đến mất an toàn giao thông khu vực trường học, nhưng thực tế, bên cạnh những trường đã xây dựng từ lâu, không tính trước được vấn đề phát triển đô thị đã đành, có không ít trường mới xây dựng cũng không đảm bảo yêu cầu về an toàn giao thông. Chẳng hạn như xây dựng cổng trường tiếp cận ngay với trục đường giao thông đông đúc mà không có hành lang an toàn, không có giải phân cách với luồng đường lưu thông.
Cạnh đó, chúng ta rầm rộ tuyên truyền khuyến khích, thậm chí áp dụng mức giá ưu đãi cho người lớn sử dụng dịch vụ giao thông công cộng, xe buýt. Điều này là rất tốt nhằm giảm ách tắc giao thông, giảm chi phí cho giao thông. Nhưng tại sao với người lớn, dễ nhận thức và cũng dễ xử lý khi vi phạm an toàn giao thông thì chúng ta làm được vậy, còn trẻ em, các em học sinh vốn nhận thức chưa đầy đủ về an toàn giao thông, tâm lý trẻ thơ mải đùa... rất dễ gây lộn xộn hoặc gánh chịu hậu quả của mất an toàn giao thông thì lại không chú trọng?
Do đó, muốn đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực trường học nên thực hiện một số việc sau:
1, Việc cấp phép xây dựng trường học mới bắt buộc phải tính đến khả năng đảm bảo an toàn giao thông. Không nên cho xây dựng trường học cạnh các đường quốc lộ, tỉnh lộ hoặc các tuyến phố có mật độ dân cư đông, giao thông đông. Nếu vì lý do đặc biệt nào đó cần phải xây dựng gần đường thì nên có đường giao thông dẫn phân luồng vào trường đảm bảo an toàn, tiện lợi.
2, Đối với các trường nằm trong khu trung tâm, nơi có mật độ giao thông đông đúc, cần có quy định nhà trường và gia đình, thậm chí cần có sự hỗ trợ của nhà nước để thực hiện việc bắt buộc phải có xe đưa đón học sinh đến trường và về nhà (dĩ nhiên chỉ có thể đón học sinh tại một số điểm tập trung theo quy định). Điều này vừa đảm bảo đi lại an toàn, đúng giờ, đồng thời cũng rèn luyện cho các em khả năng đi xe ô tô và thói quen sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng trong tương lai.
3, Đối với những trường không nằm trong trung tâm (như trên) mà không có điều kiện hoặc chưa cần thiết tổ chức xe đưa đón thì tổ chức đội bảo vệ hướng dẫn cho người đưa đón học sinh dừng đỗ xe trong khu vực sân trường để trả và đón các em đúng quy định rồi từ từ ra đường tham gia giao thông, tránh ùn tắc cục bộ trước cổng trường. Vì với những trường này thường diện tích rộng, khu vực dành cho hành lang bao quanh trường và sân trường lớn.
4, Đối với xe buýt, nên bắt buộc đảm bảo có lối lên xuống cho trẻ em, có điểm dừng gần cổng trường học (đảm bảo an toàn, tránh luồng giao thông đông đúc), đặc biệt là có nhân viên đảm bảo đón các em lên xe và trả các em xuống khỏi xe an toàn. Dĩ nhiên, các em học sinh tham gia xe buýt phải đeo thẻ phù hiệu tên trường, địa chỉ để nhân viên tiện đón lên và trả xuống đúng điểm. Như thế sẽ giúp các bậc phụ huynh yên tâm gửi con em mình đến trường bằng xe buýt.
5, Mỗi trường phải có đội bảo vệ chuyên làm nhiệm vụ khống chế trước cổng trường để đưa, đón học sinh ra, vào trường an toàn, đúng giờ, đúng người hoặc phương tiện đưa đón.

Cuonghm (Theo Báo Giáo dục Thời đại )
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)