Nguy cơ mất an toàn luôn thường trực

Thứ năm, 28/04/2011 00:00 GMT+7
Đợt tổng kiểm tra hoạt động các bến đò ngang sông do đoàn công tác liên ngành Cục Đường thủy nội địa - Cục Đăng kiểm - Cục Cảnh sát đường thủy tổ chức mới đây cho thấy, hoạt động của các phương tiện chở khách ngang sông vẫn thường trực nhiều nguy cơ mất an toàn.
Đợt tổng kiểm tra hoạt động các bến đò ngang sông do đoàn công tác liên ngành Cục Đường thủy nội địa - Cục Đăng kiểm - Cục Cảnh sát đường thủy tổ chức mới đây cho thấy, hoạt động của các phương tiện chở khách ngang sông vẫn thường trực nhiều nguy cơ mất an toàn.
Những bến đò “nhiều không”
Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, cả nước hiện có 1.411 bến đò ngang sông, trong số này chỉ có 793 bến có giấy phép, còn 618 bến không phép (chiếm 44%). Trong quá trình kiểm tra, lực lượng liên ngành đã rà soát tất cả các điều kiện về hệ thống bến, nhà chờ, hệ thống chiếu sáng cho đến các quy định đối với người điều khiển phương tiện. Kết quả cho thấy, an toàn giao thông (ATGT) ở các bến đò ngang sông còn nhiều điều đáng lo ngại. Cụ thể, trong số 1.411 bến trên toàn quốc, có đến 49% số bến đèn chiếu sáng ban đêm không hoạt động, 864 bến (60%) không niêm yết giá vé, 816 bến (61%) không có nội quy bến, 935 bến (66%) không có nhà chờ…
Hiện tại, số lượng phương tiện thực hiện đăng ký, đăng kiểm đã nhiều hơn. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 17% trong tổng số 2.143 phương tiện đang hoạt động chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Trong khi đó, liên quan đến hệ thống phao cứu sinh, có 1.805 trong tổng số 2.143 phương tiện có trang bị phao cứu sinh, còn lại 322 phương tiện không có (chiếm 16%). Một số phương tiện có phao cứu sinh nhưng cũng chỉ là hình thức, chất lượng không đảm bảo, số lượng cũng không đủ. Về thuyền viên, người lái phương tiện có 2.234 người, trong đó số có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp là 1.749 người (chiếm 78%).
Qua kiểm tra của lực lượng liên ngành, tại một số địa phương, vấn đề ATGT bến đò ngang sông đang trở nên đáng báo động. Tại Hậu Giang, qua kiểm tra 155 bến đò ngang sông hoạt động trên địa bàn, chỉ có 16 bến có phép, còn lại 139 bến hoạt động tự phát. Trong số 155 phương tiện hoạt động thì cũng chỉ có 76 phương tiện có trang bị phao cứu sinh, còn lại 79 phương tiện (51%) không có phao cứu sinh. Hoặc như tại Quảng Ngãi, toàn bộ 25 bến đò ngang sông hoạt động trên địa bàn thì đều không có giấy phép mở bến, 40/45 phương tiện không đăng ký. Tại Bắc Ninh cũng có 31/46 bến đò hoạt động không phép. Còn tại Hà Giang thì đang tồn tại rất nhiều cái “không”. Đó là tất cả 25 bến đều hoạt động không phép, không có báo hiệu bến, không có đèn chiếu sáng ban đêm, không có nhà chờ, không có nội quy bến…
Khắc phục bằng cách nào?
Tại Nghệ An, lực lượng chức năng phát hiện một số thuyền có kết cấu vỏ sắt, đóng theo kiểu hiện đại, lắp máy 15CV có sức chở lớn nhưng chưa được kiểm định mức độ an toàn để chở khách. Trao đổi với chúng tôi về biện pháp khắc phục, ông Phan Huy Chương, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đưa ra kiến nghị: UBND cấp huyện cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thủy nội địa trong địa bàn quản lý, kiểm tra việc chấp hành sau kiểm tra lần trước hoặc được ủy quyền giải quyết. Hằng tháng, hằng quý phải có tổng kết, coi đây là cơ sở để đánh giá năng lực cán bộ, cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các phòng, ban chức năng và chính quyền cấp dưới, tạo thành những phong trào thi đua, nhằm giảm thiểu TNGT đường thủy nội địa.
Ông Phạm Bạch Dương, Chánh thanh tra Cục Đường thủy nội địa cho biết thêm: Đợt kiểm tra vừa rồi đã phát hiện ra một thực trạng đáng báo động, buộc ngành chức năng phải có những giải pháp tiếp theo. Quá trình kiểm tra, đối với các bến tự phát, không phép kiên quyết đình chỉ hoạt động; đối với các bến chưa đủ các yếu tố bảo đảm an toàn đều thực hiện việc cam kết với các chủ bến, người điều khiển phương tiện và định rõ thời gian khắc phục... Tuy nhiên, cũng theo Thanh tra Cục Đường thủy nội địa, những biện pháp đó chỉ là tình thế, quan trọng vẫn là vai trò quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở. Đặc biệt cần khắc phục ngay tình trạng “khoán thầu”, giao hết trách nhiệm cho chủ bến, lái đò miễn sao hằng tháng cứ nộp tiền cho địa phương đầy đủ là được, còn chuyện có đảm bảo an toàn hay không địa phương bất biết...
Cũng theo ông Phạm Bạch Dương, trên cơ sở kiểm tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu các đội tuần tra giao thông đường thủy phối hợp với lực lượng tuần tra giao thông của địa phương và chính quyền cơ sở theo dõi và định kỳ hằng tháng, hằng quý phải kiểm tra, xử lý nghiêm với các bến đò, lái đò vi phạm. Với những điểm "nóng”, kéo dài cần có văn bản gửi về UBND huyện, xã để thông qua giao ban định kỳ, có biện pháp kiên quyết để xóa bỏ. Ở những nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy cơ tai nạn cao, cần tăng cường kiểm tra, xử lý đột xuất. Cùng với đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đối với người dân, nhất là những người thường xuyên tham gia giao thông qua các bến đò ngang, cần nâng cao ý thức đề phòng, không chủ quan trước các phương tiện không đủ các yếu tố an toàn để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thangnd(theo quandoinhandan)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)