Việc nâng cao nhận thức, làm chuyển biến ý thức và thay đổi hành vi đối với người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông góp phần kiềm chế và giảm dần TNGT.
Từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Hải Dương vẫn là một trong những địa phương có số vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao của cả nước. Theo phân tích của các cơ quan chức năng, trong số các vụ TNGT có tới hơn 70% là do nguyên nhân chủ quan của người điều khiển phương tiện hoặc người tham gia giao thông, còn lại là do các nguyên nhân khách quan khác như hạ tầng giao thông, phương tiện... Do đó, việc nâng cao nhận thức, làm chuyển biến ý thức và thay đổi hành vi đối với người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông là việc làm rất quan trọng. Từ đó sẽ góp phần tích cực ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), kiềm chế và giảm dần TNGT, xây dựng văn hóa giao thông đối với tất cả người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là các lái xe, phụ xe.
Lãnh đạo phòng quản lý vận tải, đăng kiểm kỹ thuật (Sở Giao thông vận tải) cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 60 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Trong đó, TP Hải Dương chiếm hơn 50%, tiếp theo là các huyện Ninh Giang, Chí Linh và Gia Lộc. Có 16 doanh nghiệp kinh doanh xe buýt với tổng số hơn 200 xe; 11 doanh nghiệp tắc-xi, sở hữu 426 xe tắc- xi các loại. Ngoài ra, còn một lực lượng đông đảo phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh, đường dài đang hoạt động và đăng ký kinh doanh trên địa bàn. Toàn tỉnh có gần 540 lái xe, hơn 390 phụ xe đang làm việc trong các doanh nghiệp xe buýt, tắc-xi, xe khách liên tỉnh và đường dài, hằng ngày, trực tiếp tham gia luân chuyển hàng nghìn lượt hành khách. Lái xe, phụ xe có trách nhiệm rất lớn đối với tài sản, tính mạng cũng như sự an toàn, sức khỏe của người dân.
Xác định được tầm quan trọng này, từ đầu năm 2008, các ngành chức năng của tỉnh mà trực tiếp là Sở Giao thông vận tải, phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của lái xe, phụ xe đối với hành khách. Cùng với đó, các doanh nghiệp vận tải cũng khẩn trương bồi dưỡng, nâng cao ý thức phục vụ hành khách đối với từng lái xe, phụ xe. Riêng Sở Giao thông - Vận tải 2 năm qua đã tổ chức bồi dưỡng cho khoảng 300 lái xe, phụ xe về nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp vận tải có số lượng lái xe, phụ xe đông chủ động tổ chức hội nghị và tăng cường giám sát đội ngũ lái xe, phụ xe trong quá trình thực hiện các quy định về lái xe an toàn, phục vụ hành khách chu đáo.
Ông Văn Quốc Tuấn, Phó giám đốc điều hành hãng tắc-xi Hoàng Minh khẳng định: Mấu chốt để xây dựng văn hóa giao thông phải bắt nguồn từ việc giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ lái xe. Hiện nay, 128 tài xế của hãng đều được tuyển lựa kỹ từ khi nộp hồ sơ. Sau khi được nhận hồ sơ, lái xe đều có 15 ngày tập huấn, học tập kinh nghiệm, kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, thái độ phục vụ hành khách, nhằm giữ vững uy tín cho doanh nghiệp. Điện thoại đường dây "nóng" của hãng trực 24 giờ trong ngày và đã nhận nhiều thông tin phản hồi, gồm cả khen ngợi và kiến nghị của khách hàng đối với lái xe. Hằng tháng, những lái xe có ý kiến phản hồi đều được hãng áp dụng các hình thức thưởng phạt nghiêm minh. Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ đội ngũ lái xe, ban thanh tra của công ty hoạt động thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện và xử lý vi phạm, do đó đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp xe của doanh nghiệp vi phạm luật giao thông, gây tai nạn hoặc có thái độ thiếu tôn trọng khách hàng.
Tuy nhiên, qua theo dõi của lực lượng cảnh sát giao thông, trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện tình trạng lái xe vi phạm luật giao thông, như đỗ, dừng đón, trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh vượt ẩu, gây TNGT và ảnh hưởng tới an toàn của hành khách cũng như đối với người cùng tham gia giao thông. Đã có những ứng xử không đẹp khi tham gia giao thông, đặt lợi ích kinh tế cao hơn trách nhiệm với cộng đồng, còn có những lái xe không tham gia cứu chữa người đi đường khi bị TNGT...
Xây dựng văn hóa giao thông cần thiết phải bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông, trong đó, đội ngũ lái xe, phụ xe là lực lượng rất quan trọng. Hơn ai hết, các doanh nghiệp vận tải cần tiếp tục chú trọng tới việc bồi dưỡng, giáo dục, tăng cường, kiểm tra và giám sát hoạt động của lái xe, phụ xe. Bản thân mỗi lái xe, phụ xe cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức để thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, cộng tác nghiêm túc với các cơ quan chức năng khi tham gia giao thông, ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông, có thái độ chu đáo với khách hàng… nhằm giữ vững uy tín cho doanh nghiệp cũng như bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.