Thực hiện tốt Luật giao thông là nét đẹp văn hoá

Thứ sáu, 31/07/2009 00:00 GMT+7
Tai nạn giao thông đang là vấn đề xã hội nhức nhối mà báo, đài đang hằng ngày, hằng giờ đề cập tới. Nhà nước ta đã thành lập "Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia". Ở trên các tuyến đường thường có các khẩu hiệu "An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà", "Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông"... Có nhiều phong trào đã được phát động trên phạm vi cả nước như "Tháng an toàn giao thông", "Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu"...
Tai nạn giao thông đang là vấn đề xã hội nhức nhối mà báo, đài đang hằng ngày, hằng giờ đề cập tới. Nhà nước ta đã thành lập "Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia". Ở trên các tuyến đường thường có các khẩu hiệu "An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà", "Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông"... Có nhiều phong trào đã được phát động trên phạm vi cả nước như "Tháng an toàn giao thông", "Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu"...
Mục đích của những việc làm trên là để giữ gìn sự bình yên cho mỗi người, mỗi nhà. Đây là ý nghĩa nhân văn của pháp luật. Nhưng tai nạn giao thông không những không giảm mà còn gia tăng, làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tạo nên gánh nặng cho gia đình và cho xã hội. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Trước hết phải nói đến ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của mỗi người. Đúng ra người có văn hóa khi đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm đúng quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu, không uống rượu bia... Nhưng thực tế cho thấy việc đi xe máy không đội mũ bảo hiểm vẫn còn, vẫn uống rượu bia khi tham gia giao thông kể cả người lái xe ô tô. Thanh, thiếu niên tổ chức đua xe, chở ba bốn, lạng lách đánh võng trên đường, xe chở hàng cồng kềnh, nghênh ngang trên đường. Ở các ngã tư đường phố người điều khiển xe vẫn vượt đèn đỏ tạo nên xung đột giao thông va chạm rồi gây tai nạn. Thậm chí người gây ra tai nạn không dừng lại để cứu giúp người bị nạn mà lại bỏ chạy. Khi vi phạm an toàn giao thông, được công an giao thông nhắc nhở, không những không chấp hành mà còn chống lại người thi hành công vụ. Tất cả những điều nêu trên đều là phi văn hóa.
Người có văn hóa ở đây là người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, phải tôn trọng pháp luật, phải tôn trọng con người, sẵn sàng nhường đường cho người khác, không phóng nhanh vượt ẩu, không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Phải có trách nhiệm giúp đỡ người thi hành công vụ, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người bị tai nạn.
Bên cạnh những người trực tiếp tham gia giao thông cũng phải nói đến ở nhiều nơi việc lấn chiếm hè phố, lấn chiếm hành lang giao thông để bán hàng, họp chợ khá phổ biến. Việc làm này cũng góp một phần làm mất an toàn giao thông.
Hiện nay chúng ta đang xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, làng văn hoá, phố văn hóa, mà nội dung cơ bản là xây dựng con người văn hóa. Con người văn hóa ở đây là con người biết tự trọng mình, biết tôn trọng người khác, tôn trọng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tôn trọng các hương ước, nội quy của làng, xã, tôn trọng luật giao thông.
Có thể nói bảo đảm an toàn giao thông là văn hóa là tinh thần trách nhiệm đối với đời sống của cộng đồng. Với tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình", vì cuộc sống bình yên của chính mình cũng như sự bình yên của người khác. Chính vì vậy hơn lúc nào hết mỗi chúng ta phải gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông để đem lại hạnh phúc cho chính mình cũng như cho cộng đồng, góp phần xây dựng cuộc sống của xã hội ngày càng văn minh hơn, tốt đẹp hơn.

Theo Bao Bac Giang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)