Thực tế cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn, nhất là lĩnh vực cảng, bến, các phương tiện giao thông đường thuỷ v.v... còn nhiều bất cập hạn chế, không tương xứng với sự phát triển hiện nay của thành phố...
Những năm gần đây, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Móng Cái không ngừng tăng trưởng. Trong đó các hoạt động trên tuyến giao thông đường thuỷ nội địa, đã và đang đóng góp tích cực, khai thác tốt các lợi thế về sông biển, cảng bến, thế mạnh của địa phương, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Cùng những kết quả đạt được, thực tế cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn, nhất là lĩnh vực cảng, bến, các phương tiện giao thông đường thuỷ v.v... còn nhiều bất cập hạn chế, không tương xứng với sự phát triển hiện nay của thành phố...
Tàu, thuyền vận tải đầy ắp hàng hoá luôn là nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên sông Ka Long.
Đó là việc đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển cảng, bến thuỷ chưa đồng bộ; công tác quản lý, điều hành hoạt động ở cảng, bến khách và hoạt động vận chuyển người khai thác thuỷ sản còn yếu kém, có những địa phương không thành lập ban, tổ quản lý..., các trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo an toàn của phương tiện chưa được quan tâm đúng mức, nhiều phương tiện kỹ thuật không đảm bảo an toàn nhưng chủ phương tiện vẫn lưu hành. Thậm chí còn vận chuyển quá tải, quá số người theo quy định. Nhưng không được kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời... Đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến TNGT đường thuỷ nội địa trên địa bàn rất đáng báo động. Mới đây (quý I-2009), UBND TP Móng Cái đã thành lập tổ công tác liên ngành ''Tổng kiểm tra, xử lý cảng, bến khách và phương tiện tàu, đò vận tải hành khách và các phương tiện tàu, đò chở người đi khai thác, nuôi trồng hải sản, phương tiện chở người đi lễ hội trên địa bàn TP Móng Cái''. Qua kiểm tra 1 cảng khách (Núi Đỏ), 5 bến khách (Cầu Máng, Mũi Ngọc, Vạn Gia, Cái Chàm...) và 59 phương tiện vận tải chở khách và chở người đi khai thác, nuôi trồng hải sản tại các phường, xã Trần Phú, Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Vạn Ninh, Hải Xuân, Bình Ngọc, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, cho thấy: Hầu hết các cảng, bến đều không đảm bảo an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Tổ công tác đã lập biên bản đình chỉ hoạt động đối với 5/6 cảng, bến nói trên; đối với phương tiện, qua kiểm tra phát hiện 8 tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm; cả 59 phương tiện đều không đủ số lượng, chất lượng, trang thiết bị an toàn theo quy định; 28/59 phương tiện đăng ký tàu cá, công dụng khai thác hải sản, nhưng lại hoạt động chở khách đò ngang và người đi khai thác, nuôi trồng hải sản, 31 trường hợp người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định v.v... ''Bức tranh'' nêu trên thật đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, TNGT đường thuỷ nội địa thường xảy ra và tập trung nhiều vào phương tiện chở khách ngang sông, chở người đi khai thác, nuôi trồng hải sản. Vì phương tiện này hầu hết người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện cũ, không đảm bảo kỹ thuật an toàn, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ cứu sinh, PCCC, thường chở quá tải, quá số người v.v...
Nhằm khắc phục tình trạng trên, ngay sau kiểm tra, tổ liên ngành và Công an TP Móng Cái đã tham mưu cho Thành uỷ, UBND TP Móng Cái ra văn bản, chỉ đạo các ngành, Chủ tịch UBND phường, xã liên quan tập trung giải quyết ngay một số việc: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cảng, bến thuỷ nội địa và các loại phương tiện thuỷ hoạt động trên sông, biển; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và một số quy định có liên quan để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên tuyến giao thông thuỷ nội địa nâng cao nhận thức, chấp hành thực hiện; UBND phường, xã có các hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa thành lập tổ an toàn giao thông, phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Riêng bến khách Mũi Ngọc, trong khi chờ đầu tư hoàn thiện phải di dời toàn bộ hoạt động vận tải khách ngang sông về cảng Núi Đỏ để đảm bảo an toàn. UBND xã Vĩnh Thực thành lập ngay tổ quản lý bến khách ngang sông phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan cửa khẩu Vạn Gia quản lý hoạt động của các xuồng cao tốc tại cầu tàu dân sinh cảng Vạn Gia v.v...
Hiện mùa mưa bão năm 2009 đang đến gần, để hoạt động giao thông trên tuyến đường thuỷ nội địa của địa phương ngày càng đi vào nền nếp, chủ động phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát được TNGT đường thuỷ, song song với những biện pháp nêu trên thiết nghĩ UBND tỉnh, các ngành chức năng tỉnh, địa phương cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ đóng mới phương tiện chở người đi khai thác, nuôi trồng hải sản, đảm bảo an toàn cho người lao động. Đồng thời coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cảng, bến và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, lực lượng CSGT thuỷ Công an TP Móng Cái đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác; công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này, cũng như việc tổ chức tập huấn cho chủ tịch UBND cấp xã và trưởng các ban ngành chức năng, công an phường, xã có hoạt động giao thông thuỷ, tạo điều kiện và tổ chức cho người điều khiển phương tiện thuỷ học thi bằng, chứng chỉ chuyên môn v.v... cũng cần được thực hiện tích cực, thường xuyên hơn...
Theo Báo Quảng Ninh