Bấm còi cho... văn hóa còi!

Thứ sáu, 29/05/2009 00:00 GMT+7
Ngã tư đã ùn tắc, tiếng động cơ nổ phình phịch chưa đủ gây căng thẳng thần kinh cho con người trong nhịp sống ồn ào hàng ngày lại thêm tiếng còi. Người trước còi người trên, người sau còi người trước inh ỏi cho dù chẳng ai nhích lên được bao nhiêu.

Tiếng còi rú inh ỏi, môi trường tiếng ồn trở nên quá sức chịu đựng. Cái xe máy, ôtô và sự bùng nổ của nó không có tội mà lỗi là tại "văn hóa" của người điều khiến chúng đang ở mức... bấm còi!

Đôi khi, còi cũng... bất lực

Ngã tư đã ùn tắc, tiếng động cơ nổ phình phịch chưa đủ gây căng thẳng thần kinh cho con người trong nhịp sống ồn ào hàng ngày lại thêm tiếng còi. Người trước còi người trên, người sau còi người trước inh ỏi cho dù chẳng ai nhích lên được bao nhiêu. "Đã chôn bánh một chỗ rồi còn cứ còi, sốt hết cả ruột!", không ít người phải xổ toẹt ra như thế.

Tín hiệu đèn giao thông còn gần chục giây nữa mới sang màu xanh, đó là khi y như rằng ô tô, xe máy đang dàn trước vạch vôi thi nhau bấm còi tin tin, bum bum như muốn đẩy người đứng trước: "Nhanh lên! Nhanh lên! Đi thôi!" Thì ai chẳng muốn nhanh, muốn qua đèn xanh, nhưng mốc đèn đỏ còn đó, sao phải vì chút hơn thua nhau vài giây mà phải "đuổi" nhau, giục nhau bằng... còi?!

Chẳng may kẹt vào đoạn đường tắc, nhiều người muốn "phát điên" vì tiếng còi xe (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Hải Phòng đều là "ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó", vậy mà ai ở ngõ đều thấm "mùi"... còi và tiếng nổ đành đạch của xe máy đủ loại suốt ngày đêm. Giờ nghỉ trưa, tiếng xe máy rồ ga, lạng lách làm bố mẹ bọn trẻ phải dè chừng khi cho bọn trẻ ra cửa nhà. Đêm tối, có khi cả ngõ bị đánh thức vì tiếng rú ga, bấm còi vì "phởn chí" của mấy cậu choai choai. 

Riêng tiếng còi xe vô tổ chức vào bất cứ thời điểm nào trong ngày thì dù khu phố có để tấm biển nhắc nhở "Khu vực đề nghị không bấm còi, rồ ga" cũng chẳng ăn thua. 12 giờ trưa hay 12 giờ đêm thì lỗ tai cũng vẫn bị tra tấn như nhau. Khách thập phương tứ xứ đều như thế, rất bực mình, nhưng chả lẽ phải ra... bịt còi lại cho chừa?

Mà bực nhất, ức chế nhất phải kể đến những tiếng còi "chế" để... không ai giống mình! Có khi người ta phải giật bắn vì sát sạt mình là tiếng còi ô tô choang choang; mải mê né tránh né, khi hoàn hồn quay lại thì hóa ra là... con Wave RS! 

Chưa đủ, buổi tối mùa hè hiu hiu gió mát, một vài xe đi dạo thong dong trên phố có thể sẽ phải... cụt hứng vì tiếng còi xe hú dài như xe cứu thương, có khi như kèn hơi phát ra từ... xe máy! Lúc ấy chỉ mong có cảnh sát cơ động dẹp ngay các kiểu "loạn còi" đấy.

Văn hóa ở đâu?

Xu thế sống gấp, "mau lên chứ vội vàng lên với chứ", chỉ biết đến cá nhân mình vẫn đang tỏ ra thắng thế ở nhiều nơi tại Việt Nam. Người ta như chỉ cần hơn nhau vài vòng bánh xe là đã... mãn nguyện lắm rồi. Người dân cứ ngày ngày phải sống chung với tắc đường, sống chung với khói bụi xe và cả sống chung với những tiếng còi nối dài tưởng không bao giờ dứt. 

Cứ mỗi xe vài bước lại còi không cần biết còi thế có hiệu quả hay không. Bấm còi và nghe tiếng còi dần dần thành thói quen của không ít người, đến mức chẳng còn biết có thực sự cần còi và nghe còi liên miên thì có tổn hại thính lực, có làm tăng thêm stress (?). Giá mà các thành phố ta được như xứ người, dù xe đầy đường nhưng phân luồng thẳng tắp, đường ai người nấy đi, chứ không chen lấn xô đẩy, không phải lê từng bước kèm theo tiếng còi ong lên nhặng xị!

Mà oái oăm ở chỗ, có thể ban đầu chả ai muốn còi, nhưng có còi rú ầm ầm thì các xe phía trước mình vẫn "trơ" ra, "bình chân như vại" không chịu thôi dàn hàng ngang thì có khi lại phải... thêm tí còi. Mà càng còi to thì có khi chỉ để... cho mình nghe rõ, người ta vẫn mặc kệ ("cái đứa trước có tránh tao đâu mà tao tránh mày"!). Cái vòng luẩn quẩn còi - hay không còi, là như thế... 

Nhiều nghiên cứu về tiếng ồn đường phố gần đây đã chỉ ra rằng mức độ tiếng ồn trên đường phố Hà Nội và TP HCM nhìn chung đều đã vượt quá mức cho phép. Một số kết quả điều tra xã hội học cũng cho thấy: ngày càng nhiều người bị tác động bởi tiếng ồn từ giao thông hơn bất cứ tiếng ồn nào khác. Tiếng ồn gây cho con người không nghe được những âm thanh cần thiết hoặc giảm khả năng nghe. Nếu tiếng ồn ở mức độ cao ( > 90 đề xi ben) thì nó sẽ trở thành nguyên nhân gây bệnh thần kinh, nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, ...

Ngành giao thông cũng có cái khó khi phải phân trần rằng họ chưa thể phạt vi phạm về tiềng còi xe vì bên công an giao thông chưa có máy đo đề xi ben. Do thiếu thiết bị nên không biết dựa vào đâu để phạt. Nhiều loại máy đo tiếng ồn mua về đã phải... xếp kho. Và thế là trước mắt chỉ xử phạt xe máy gắn các loại còi không đúng quy định, các loại còi đồng âm với các loại xe ưu tiên (mức phạt là từ 100.000 đến 200.000 đồng/ lần).

Khi các hình thức xử phạt còn gian nan với tiếng còi thì càng khó nâng cao được "văn hóa còi". Nếu hỏi văn hóa còi ở đâu, làm sao để khắc phục thì có lẽ câu trả lời là ở chỗ làm sao để văn hóa của mỗi người tham gia điều khiển phương tiện giao thông... không bao giờ còi cọc. 

Bản thân mỗi hãng sản xuất xe đều đã chế tạo ra các loại còi xe đi cùng phương tiện một cách khoa học, theo những nghiên cứu riêng. Lẽ nào, với xe bán cho người VN thì nhà sản xuất phải kích lên tiếng còi xe ở mức tối thiểu to lên một chút để phố phường... nghe cho rõ?

Nói Việt Nam là đất nước của xe máy thì nghe vừa buồn vừa vui. Nhưng nếu nói Việt Nam còn là đất nước của tiếng còi, vì tiếng còi đã "hòa tấu" lên những bản nhạc đường phố mà có nhạc sĩ theo đuổi thể loại "noise music" đã tận dụng đắc địa chuyện còi xe ấy để đưa vào các tác phẩm thể nghiệm của mình -  thì thử hỏi: nên mừng hay nên vui?

nguồn ttol

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)