Xây dựng môi trường văn hóa giao thông

Thứ hai, 13/10/2008 00:00 GMT+7
Cả nước đang thực hiện Ðề án Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đến năm 2010, trước hết là những giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Chúng tôi trao đổi thêm giải pháp về văn hóa giao thông mà Ủy ban ATGT quốc gia đã đề ra, góp phần "xây dựng các quy tắc đi lại văn minh và đưa các tiêu chí về ATGT vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa", một nội dung của đề án nói trên...
Cả nước đang thực hiện Ðề án Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đến năm 2010, trước hết là những giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Chúng tôi trao đổi thêm giải pháp về văn hóa giao thông mà Ủy ban ATGT quốc gia đã đề ra, góp phần "xây dựng các quy tắc đi lại văn minh và đưa các tiêu chí về ATGT vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa", một nội dung của đề án nói trên...
Một vài định nghĩa

Theo ông T. Michimasa, cố vấn trưởng Dự án phát triển Nguồn nhân lực an toàn giao thông (ATGT) của TP Hà Nội: "Văn hóa giao thông là trạng thái mà mọi người tham gia giao thông ứng xử một cách đúng luật, an toàn, cao hơn nữa là có ý thức và lịch sự. Ở đó, người tham gia giao thông tuân thủ các chuẩn mực (pháp luật, đạo đức, truyền thống) và ứng xử một cách có ý thức tự giác".

Một số ý kiến nêu ra ba tiêu chí của văn hóa giao thông: hiểu biết và nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ; có ý thức cộng đồng khi tham gia giao thông; ứng xử hợp lý và đúng mực, có tình người trong các tình huống xảy ra trên đường...

Có một định nghĩa khác, nói đúng hơn là yêu cầu "coi mọi hành vi cố tình vi phạm là thiếu văn hóa, đáng hổ thẹn. Khi người vi phạm biết ngượng và bị mọi người chung quanh chê trách thì mới tạo lập được nền tảng văn hóa cho việc chấp hành luật giao thông".

Theo chúng tôi, định nghĩa và yêu cầu này dễ hiểu và gần gũi hơn với văn hóa phương Ðông, trong đó có nước ta...

Bắt đầu từ đâu?

Quy tắc đi lại văn minh, bảo đảm ATGT và văn hóa giao thông có yêu cầu chung là đòi hỏi sự phát triển ngày càng hoàn thiện của cơ sở hạ tầng giao thông, năng lực tổ chức và quản lý giao thông và nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông.

Song đối với văn hóa giao thông, có lẽ đối tượng thứ ba là đáng quan tâm nhất, bởi vì cơ sở hạ tầng và cách thức tổ chức giao thông chủ yếu thể hiện năng lực kinh tế và năng lực quản lý nhà nước, còn hành vi người tham gia giao thông phần lớn phản ánh trình độ dân trí, nếp sống văn hóa và thói quen ứng xử của người dân...

Do đó, có người cho rằng nội hàm văn hóa giao thông quá rộng và nội dung quá cao xa.

Song nhiều chuyên gia ATGT khẳng định: xây dựng văn hóa giao thông trước hết là hình thành những thói quen tốt, thói quen bảo đảm an toàn, qua đó khơi dậy những nét đẹp thuần phong mỹ tục khi tham gia giao thông.

Nhiều thói quen đã được luật hóa như các quy tắc tránh vượt, nhường đường cho xe ưu tiên và một số thói quen mới hình thành như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đi đúng làn đường (đang thực hiện ở một số tuyến phố của Hà Nội).

Còn nét ứng xử truyền thống như nhường chỗ, nhường đường cho trẻ em, người cao tuổi; ứng cứu người bị nạn; có thái độ ôn hòa khi không may xảy ra va chạm... không phải là điều xa lạ đối với nhiều người tham gia giao thông.

Vấn đề mấu chốt là phải xây dựng những thói quen và thái độ tích cực nói trên trở thành tập quán bền vững, ngày càng mở rộng và đi vào nhận thức chung của nhiều người, tạo được môi trường: người vi phạm trở nên lạc lõng và bị người chung quanh phê phán...

Kết hợp giáo dục và cưỡng chế

Ðối với một đất nước nông nghiệp, để người tham gia giao thông từ bỏ thói quen tiểu nông và hình thành thói quen đi lại kỷ cương trong thời kỳ CNH, HÐH là không dễ dàng.

Tương tự như thế, trong mỗi con người nét đẹp ứng xử  nhiều khi ở dạng tiềm năng, muốn khơi dậy đòi hỏi bỏ nhiều công sức. Cho nên phải kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục và cưỡng chế.

Xác định giáo dục là biện pháp quan trọng hàng đầu, thực hiện kiên trì, liên tục, nâng cao tính chuyên nghiệp, chọn đúng chủ đề và nội dung phù hợp từng đối tượng, chú trọng giáo dục văn hóa giao thông gắn với phong trào "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT".

Ðồng thời tăng cường cưỡng chế, xử lý nghiêm minh các vi phạm, vừa có tác dụng trực tiếp ngăn chặn kịp thời TNGT vừa là cách giáo dục trực quan có hiệu quả cao.

Ðối với một bộ phận người dân tham gia giao thông, không ít tập quán an toàn được hình thành từ chỗ bắt buộc phải chấp hành, lâu dần trở thành thói quen, cộng với chuyển biến về nhận thức, cảm thấy khó chịu khi thấy người khác vi phạm...

Giáo dục luôn đòi hỏi sự nêu gương.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp tiếp tục đề cao trách nhiệm giáo dục và phát huy vai trò gương mẫu của các thành viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.

Ðồng thời phải xác định trọng tâm của hoạt động giáo dục văn hóa giao thông là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, sự chuyển biến về nhận thức, hành động của lớp người trẻ tuổi có ý nghĩa sâu sắc và tác dụng to lớn trước mắt cũng như lâu dài.

Từng gia đình, từng khu dân cư chăm lo giáo dục con em, nhắc nhở lẫn nhau và cam kết bảo đảm trật tự ATGT, góp phần tạo lập nền tảng văn hóa đối với việc chấp hành luật giao thông...
theo NhanDan
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)