Sông Luộc (chảy qua địa phận Hưng Yên, Thái Bình) đang vào mùa nước dữ. Vấn nạn đò ngang tự phát lại được nhắc đến nhiều hơn khi mà hàng năm con sông hung dữ này vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân khi qua sông...
Hiểm họa từ những con đò cũ nát
Chỉ tính trên địa phận chảy qua tỉnh Hưng Yên, chiều dài chưa tới 20km trên sông Luộc ước tính đã có tới gần chục điểm đò ngang, phần lớn là do người dân tự mua phương tiện về hành nghề. Điều đáng nói là những con đò ấy đều rất cũ nát lại không được bất cứ cơ quan nào quản lí, kiểm định chất lượng. Nhiều đò đang hoạt động vốn là “đống sắt vụn” được bến phà Yên Lệnh thanh lí, bán lại cho người dân. Chẳng biết việc sửa chữa diễn ra như thế nào nhưng cứ nhìn những con đò ọp èo chòng chành giữa sông dữ thì cũng đủ thấy gai người.
Hàng năm cứ vào mùa lễ hội, đông đảo khách thập phương về với Thái Bình, lại phải lặn lội qua sông, qua đò. Đây cũng trở thành dịp “làm ăn lớn” đối với chủ nhà đò. Bên cạnh những chiếc đò máy, thì những chiếc đò thô sơ, sử dụng sức người cũng tranh thủ hoạt động. Thường thì chỉ những khách mang theo phương tiện (xe đạp, xe máy) mới đi đò máy. Còn lại đều đi đò thường cho... rẻ tiền. Thêm cả chuyện vào dịp lễ hội lượng khách rất lớn, vì lợi nhuận mà các chủ đò không tính đến nguy hiểm đến tính mạng nên vẫn thường chở quá tải. Những người dân sống ven sông thuộc các xã Nguyên Hòa, Tống Trân (huyện Phù Cừ - tỉnh Hưng Yên) vẫn thường kể lại câu chuyện đau lòng về vụ đắm đò trên sông Luộc năm trước đã làm chết một đôi vợ chồng trẻ.
Anh Nguyễn Văn Được (quê Hưng Yên) - người đã có 15 năm làm nghề lái đò đã bày tỏ: “Sông Luộc không hung dữ như sông Hồng, sông Đà, nhưng tình hình luồng lạch trên sông Luộc diễn biến rất phức tạp. Vào những ngày nước dữ, mực nước lên cao, đò thường bị trôi, khó kiểm soát. Nếu phương tiện quá cũ nát, người lái không có kinh nghiệm xử lí thì rất nguy hiểm cho hành khách”. Những lời cảnh báo lúc nào cũng có nhưng xem ra chẳng có ai quan tâm. Hình như nhiều người nghĩ “đó không phải là chuyện của mình”?
Ước mơ về một cây cầu
Có điều lạ là, trong khi người dân phó mặc tính mạng của mình cho những con đò cũ nát, thì những chiếc phà hiện đại, có đầy đủ dụng cụ cứu trợ an toàn lại bị từ chối sử dụng. Bến phà La Tiến được đầu tư tiền tỉ đang rơi vào tình trạng đìu hiu. Nhiều phương tiện lâu không hoạt động, nay đã hoen gỉ. Chỉ có một đò nhỏ hoạt động cầm chừng, thưa thớt khách sang sông. Hỏi thì biết, bến phà hiện đại này đã “có vấn đề” ngay ở khâu thiết kế, xây dựng. Người ta đã tính toán độ dốc không hợp lí, thành ra bến phà cạn nước, phà lớn không vào được. Thêm cả chuyện “bắt tay nhau” giữa hai địa phương Hưng Yên-Thái Bình không được như ý muốn. Kết quả là mới xây dựng được đường xuống phà phía bên Hưng Yên. Phía bên Thái Bình gần như chưa có gì. Thế là phương tiện lớn xuống được mà không lên được, nên đành phải chấp nhận bỏ phà đi đường bộ dù xa xôi, vất vả. Bến phà hiện đại trở thành công trình "xây để đó".
Những năm gần đây, nhu cầu thông thương kinh tế giữa hai tỉnh Hưng Yên - Thái Bình rất lớn. Gần như mọi hoạt động vận chuyển trao đổi hàng hóa nông sản giữa các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ (Thái Bình) với Hưng Yên chỉ có thể thực hiện qua đường sông. Không chỉ thông thương kinh tế, nhu cầu giao lưu văn hóa cũng được đẩy mạnh thông qua các hoạt động lễ hội (lễ hội Tiên La bên Hưng Hà-Thái Bình, lễ hội Tống Trân bên Phù Cừ-Hưng Yên). Người dân sống trong khu vực vẫn mơ ước về một cây cầu bắc qua dòng sông, vừa thuận tiện cho hoạt động thông thương, vừa thuận tiện cho việc đi lại. Mơ ước chính đáng đó xem ra còn khó thực hiện bởi kinh phí xây dựng vượt xa khả năng của hai địa phương nghèo. Không có cầu, việc qua sông vẫn phải lụy đò.
Nghe tin mực nước sông Luộc đã lên mức báo động 2 và có thể, trong mùa mưa lũ năm nay sẽ có khả năng đạt đỉnh báo động 3, lại giật mình nghĩ tới những chiếc đò ngang cũ nát và những tai họa tiềm ẩn. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để quản lí những bến đò tự phát của tư nhân, kiểm định chất lượng các phương tiện. Phương tiện nào đạt chuẩn thì cấp giấy phép hoạt động, phương tiện nào cũ nát, không đảm bảo phải mạnh tay xóa bỏ. Có như vậy mới hy vọng có an toàn trên những dòng sông.
Hà Ly