Khi ý thức người dân chưa chuyển

Thứ hai, 15/09/2008 00:00 GMT+7
Mục tiêu của TP Hà Nội trong tháng 9-Tháng ATGT là, không để xảy ra TNGT nghiêm trọng và giảm cả 3 tiêu chí về TNGT. Trong các nhiệm vụ đặt ra, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông được đưa lên hàng đầu.
Mục tiêu của TP Hà Nội trong tháng 9-Tháng ATGT là, không để xảy ra TNGT nghiêm trọng và giảm cả 3 tiêu chí về TNGT. Trong các nhiệm vụ đặt ra, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông được đưa lên hàng đầu.

 

Tuy nhiên, sau gần 2 tuần, mặc cho những nỗ lực của các ngành, các cấp, ý thức người dân chưa có nhiều chuyển biến.

 

Trăm cách đối phó

 

Ngay trong ngày 1-9, mặc cho các lực lượng chức năng của TP đồng loạt ra quân tập trung xử lý 11 lỗi thường gặp dẫn đến TNGT, trên nhiều tuyến đường của các huyện ngoại thành Hà Nội nhiều người đi xe máy vẫn không đội mũ bảo hiểm (MBH). Rất nhiều lý do biện minh. Anh Nguyễn Ngọc Văn, ở khu Tân Bình, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), nói: Đi loanh quanh gần nhà nên thấy không cần thiết phải đội MBH; Nguyễn Thị V. Ở xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) thanh minh, mình đi giao hàng vội quá, quên không mang theo MBH. Hầu hết những trường hợp vi phạm là người ở ven QL, nhác thấy bóng CSGT là quay đầu xe bỏ chạy, rất nguy hiểm cho bản thân người tham gia giao thông. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp không đội MBH, ngang nhiên chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Chỉ 10 ngày đầu ra quân, CSGT-CATP Hà Nội đã xử phạt  gần 7.400 trường hợp vi phạm, phạt hơn 1 tỷ đồng; trong đó có gần 4.000 trường hợp không đội MBH, chiếm hơn 50% số vi phạm... Cao điểm như ngày 6-9, có tới 660/850 trường hợp phạm lỗi không đội MBH, ngày 7-9 có 652/931 trường hợp không đội MBH. Con số này cho thấy tình trạng người đi xe mô tô không đội MBH tiếp tục tái diễn, ý thức người đi đường chưa chuyển.

 

Tuyên truyền chưa thấu ?

 

TP Hà Nội xác định, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT tập trung vào các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông, học sinh, phụ huynh và người sống ven các tuyến đường. Cùng với việc lựa chọn nội dung thiết thực, hình thức tuyên truyền cũng được đổi mới, nhưng xem ra hiệu quả không đem lại như mong muốn. Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh, Đội trưởng đội CSGT QL 6 cho rằng, nhiều địa phương, việc ra quân thực hiện tháng ATGT chỉ là hình thức. Công tác tuyên truyền trong trường học không hiệu quả. Nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, 100% hưởng ứng nhưng các em vẫn đi hàng ba, hàng bốn sau giờ tan trường; nhiều em không có giấy phép lái xe vẫn cưỡi xe máy đèo ba, đèo bốn phóng như bay trên đường. Và nữa, các bậc phụ huynh chờ đón con lấn cả hành lang đường phố (Trường tiểu học Đoàn Kết - Hà Đông), làm ắch tắc giao thông.

 

Phải chăng chính quyền bất lực? Không ít người đặt câu hỏi như vậy khi chứng kiến tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông liên tiếp tái diễn. Huyện Chương Mỹ, với quyết tâm giảm TNGT, trong 8 tháng đầu năm 2008 đã chỉ đạo 32 xã, thị trấn đồng loạt giải tỏa hành lang giao thông, xử lý 1.391 trường hợp vi phạm, tháo dỡ 2.416 m2 mái che, mái vẩy, 649 m2 nhà tạm, 999 m tường bao... Nhưng một thời gian sau, đâu lại vào đấy. Hành lang QL 6 đoạn chợ Đông Phương Yên, chợ Xuân Mai... vẫn bị lấn chiếm để buôn bán, làm bãi chứa nguyên vật liệu. Trong 8 tháng, Chương Mỹ vẫn xảy ra 32 vụ TNGT, tăng 4 vụ so cùng kỳ năm 2007, làm 33 người chết, 5 người bị thương. Tình trạng giải tỏa hành lang giao thông như “bắt cóc bỏ đĩa’’ cũng xảy ra trên tuyến cao tốc Láng-Hòa Lạc, các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức. Tuyến đường liên huyện Thạch Thất mỗi ngày như hẹp hơn bởi hàng loạt xưởng sản xuất đồ kim khí lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Hàng chục đống phế liệu và nguyên liệu nằm chềnh ềnh 1/3 lòng đường. Một lãnh đạo CA huyện Thạch Thất cho biết, CA huyện đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm song song với tuyên truyền Luật Giao thông cho người dân nhưng vẫn nhiều trường hợp tái vi phạm.

 

Ý thức người dân chưa cao, trong khi hạ tầng giao thông khu vực ngoại thành gần như bị bỏ quên. Theo kế hoạch, QL 32 khởi công từ tháng 12-2005 đến đầu năm 2007 hoàn thành, nhưng nay đã quá thời hạn hơn 1 năm, con đường vẫn ngổn ngang đất đá với những “ổ voi’’ bẫy người. Mỗi khi mưa đến, nắng lên, người dân Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ sống ven đường khóc dở, mếu dở. Chẳng khó hiểu khi 8 tháng đầu năm toàn TP Hà Nội giảm 3 tiêu chí về TNGT, riêng khu vực ngoại thành lại tăng 5,4% số vụ TNGT.

 

Tháng ATGT đã qua nửa chặng đường, Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội CSGT QL 21A cho rằng, mục tiêu giảm TNGT nghiêm trọng, ùn tắc giao thông trong nhiều giờ, giảm 3 tiêu chí về TNGT sẽ thực hiện được nếu như tất cả các cấp, ngành và toàn dân nâng cao được ý thức, trách nhiệm.

 

 
HNM
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)